Đà Nẵng 10 năm mang hàng Việt đến tay người Việt
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:26, 12/06/2019
Theo đó, 10 năm qua các cơ quan thành phố đã tổ chức nhiều chương trình với nhiều hình thức, biên soạn các tài liệu để tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam. Trong đó, các sở, ban, ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép dưới nhiều hình thức như lồng ghép trong các đợt sinh hoạt Đảng, lồng ghép trong phong trào dận vận khéo, tổ chức các điểm bán hàng Việt tại các khu dân cư, khu công nghiệp…; Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phát động ở khu dân cư vận động nhân dân Hưởng ứng Cuộc vận động, tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa…
Bên cạnh đó, MTTQ còn tuyên truyền, hướng người tiêu dùng biết đến và sử dụng các sản phẩm của địa phương như: Bánh khô mè Bà Liễu, rau La Hường, nước mắm Nam Ô, nấm sạch An Hải Đông…
Tại Chương trình tôn vinh và trao giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức có 03 đơn vị của thành phố được biểu dương gồm: Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Công ty Cổ phần Dệt - May 29/3, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ và có 04 sản phẩm của thành phố được vinh dự tham gia chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
10 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các DN thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến thông qua các chương trình của thành phố với tổng kinh phí 5.110 triệu đồng; hỗ trợ trực tiếp cho DN thực hiện 2 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 5 đề tài cấp thành phố và 2 đề tài cấp cơ sở với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ, Bộ KH&CN phê duyệt TP. Đà Nẵng thực hiện 02 dự án với kinh phí 1,513 tỷ đồng, Sở KH&CN thành phố cũng chủ động hỗ trợ 13 tổ chức kinh tế tập thể, DN đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.
Sở Công Thương hỗ trợ 78 đơn vị thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, gia hạn Giấy đăng ký nhãn hiệu và hỗ trợ tư vấn, thiết kế bao bì sản phẩm, phát triển thương hiệu với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ 4 DN của thành phố tiếp tục đăng ký và đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2018. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ các DN trên điạ bàn thành phố phát triển thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện cho các DN quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình.
Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã tổ chức 87 đợt hội chợ triển lãm về hàng Việt, trong đó tổ chức thành công định kỳ Hội chợ hàng Việt với quy mô 350 - 400 gian hàng/năm; tổ chức 2 quầy bán hàng Việt tại chợ Cồn và chợ Hàn với vị trí mặt bằng thuận lợi. Trong 5 đợt Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên (từ năm 2015 - 2019) đã có 106 lượt tham dự của các tỉnh, thành trên cả nước với 1.270 lượt doanh nghiệp tham dự, trưng bày, giao lưu và có tổng cộng 117 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết.
Riêng năm 2019, Sở Công Thương tổ chức Chương trình “Kết nối hàng Việt - Đà Nẵng 2019”, đổi mới cách thức tổ chức bằng việc kết hợp các hoạt động kết nối trực tuyến và trực tiếp được các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng tích cực thu hút hơn 60 gian hàng của 70 DN đến từ 12 tỉnh, thành và có 05 cặp DN ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác.
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, các DN đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, chú trọng đầu tư chất lượng, cải tiến ký thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; người tiêu dùng từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi với hàng hóa sản xuất trong nước mà thay đổi được thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của hàng hóa sản xuất trong nước còn thấp, sức cạnh tranh không cao, các mặt hàng là thế mạnh cũng bị một lượng lớn hàng nhập khẩu cạnh tranh gay gắt; nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc giá nhập khẩu nên khó khăn trong xây dựng giá thành… Chính vì thế hàng Việt chưa có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.