Nghệ An: Tăng cường phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Sức khỏe - Ngày đăng : 23:08, 31/05/2019
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện nghiêm các giải pháp trong công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đó là, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; thực hiện tốt các nội dung Kịch bản ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh. Các huyện, thành, thị nếu chưa có Tổ phản ứng nhanh cấp huyện thì khẩn trương thành lập để triển khai các vùng có dịch và các điểm khi có dấu hiệu dịch xảy ra trên địa bàn.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đến các chủ gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ lợn… để kiểm tra, kiểm soát, quán triệt, hướng dẫn cho các chủ gia trại, trang trại, cơ sở giết mổ thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật tiêu độc khử trùng, phát hiện triệu chứng và xét nghiệm nhanh về dịch tả lợn Châu Phi trước khi lợn chết, tránh trường hợp chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp dấu dịch, giết mổ và tiêu thụ lợn bệnh, lợn bị dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.Tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ trong ngày tất cả các ngày trong tuần tại các Chốt kiểm dịch tạm thời cấp huyện, cấp xã ở các địa điểm có dịch để ngăn chặn, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc theo phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”; đảm bảo nghiêm ngặt về mặt kỹ thuật, hạn chế tối đa người và phương tiện qua lại ở vùng, điểm đã có dịch xảy ra, làm tốt công tác tiêu độc khử trùng nhằm tránh nguy cơ tiếp xúc và lây lan nguồn bệnh cho các vùng khác.
Nghiêm cấm mọi hình thức giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, sản phẩm thịt lợn từ vùng dịch; lợn nhập từ ngoài vùng dịch mà chưa được kiểm soát về dịch bệnh của cơ quan thú y.
Các địa phương, cơ quan thú y cấp huyện cung cấp số điện thoại của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, số điện thoại của Ban chỉ đạo, số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh của địa phương cho nhân dân, các hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi lợn tập trung… để vận động cung cấp thông tin và tiếp nhận thông tin về tình hình lợn chết, lợn ốm để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, xử lý, kiểm soát dịch bệnh.
Vận động, khuyến khích người chăn nuôi ở vùng có dịch chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đã được công bố hết dịch.
Tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh để hiểu rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi ở vùng, điểm có dịch tiếp tục chăn nuôi sau khi đã công bố hết dịch, nhưng phải đặc biệt chú ý không được chủ quan, lơ là, thường xuyên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi sau thời điểm đã công bố hết dịch, tránh trường hợp dịch xuất hiện và bùng phát trở lại.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan và hệ thống chính trị từ tỉnh đến các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và thôn bản tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.