Quản lý, phát triển bền vững Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:36, 24/05/2019

(TN&MT) - Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên, đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do sức ép phát triển dân số và kinh tế nên vùng đất ngập nước này có nguy cơ bị đe dọa về môi trường, sinh thái, tài nguyên. Vì thế, việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước mới Tam Giang - Cầu Hai là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên...
Phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhìn từ trên cao
Phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhìn từ trên cao

Vùng đầm phá “vàng”

Vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển Thừa Thiên Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đất ngập nước (ĐNN) tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á và thuộc cỡ lớn trên thế giới.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68 km dọc bờ biển Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng 1- 10 km, tổng diện tích mặt nước 216 km2. Đây là hệ đầm phá gần kín với 2 cửa Thuận An và Tư Hiền ăn thông với biển phía ngoài, gồm 3 đầm - phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú (gồm 3 đầm Thanh Lam hay còn gọi là đầm Sam Chuồn, đầm An Truyền và đầm Thủy Tú) và đầm Cầu Hai.

Đầm phá có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Các nghiên cứu gần đây đã thống kê được khu hệ thực vật gồm 221 loài thực vật phù du, 46 loài rong, 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao gồm có 7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt, 31 loài thực vật bậc cao trong đó 7 loài thực vật ngập mặn. Khu hệ động vật tại đây gồm 66 loài động vật phù du (ĐVPD), 46 loài động vật đáy, 230 loài Cá và 73 loài Chim, trong đó có 34 loài di cư và 39 loài định cư…

Nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên đặc biệt là đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng: đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn. Đây từng là nơi tập trung chim nước di cư với số lượng trên 2 vạn cá thể vào mùa đông. Hệ sinh thái đầm phá cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho khoảng 500 ngàn người sống trong 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã xung quanh đầm phá…

Hệ thống động thực vật đa dạng tại đầm phá
Hệ thống động thực vật đa dạng tại đầm phá

Giữa năm 2017, nhận thấy hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch thành lập và vận hành khu bảo tồn đất ngập nước mới Tam Giang - Cầu Hai; nhằm bảo tồn và phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước này.

Nổ lực bảo tồn bền vững…

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Thông - Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế thông tin, vào năm 2014, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt danh mục Dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Đến năm 2015, Bộ TN&MT có Quyết định số 837/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Văn kiện dự án Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết. Mục đích là thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước mới và tăng cường năng lực cho việc quản lý hiệu quả các khu đất bảo tồn nhằm giảm thiểu những mối đe dọa hiện tại và nguy cơ đang hình thành từ các khu sinh cảnh liên kết. Vì thế, chúng tôi hi vọng Khu bảo tồn ĐNN mới Tam Giang - Cầu Hai sớm được hình thành.

Trong quá trình triển khai các hoạt động tham vấn việc thành lập và vận hành Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang - Cầu Hai, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân đã nhận thức rất cao trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững hệ đầm phá này.

Theo ông Thông, thời gian qua Sở TN&MT đã hỗ trợ và phối hợp với các nhóm chuyên gia/nhóm tư vấn làm việc tại các sở ngành và địa phương liên quan để nghiên cứu thực hiện các hoạt động lồng ghép như: Điều tra cơ bản, tổng quan và tư vấn các bên liên quan về nhu cầu thiết lập khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai; Đánh giá nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực về bảo tồn và quản lý đất ngập nước; Phạm vi, đánh giá và lượng giá giá trị dịch vụ hệ sinh thái
khu vực đầm phá; Đánh giá các áp lực ảnh hưởng đến tính liên kết sinh thái và xác định các giải pháp sinh kế nhằm giảm nhẹ tác động lên các hệ sinh thái; Cơ cấu tổ chức và nguồn lực tài chính cần thiết cho việc vận hành khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Cầu Hai

“Chúng tôi còn hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái góp phần tăng thu nhập ở 5 huyện trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai,  giảm thiểu các nguy cơ đối với vùng bảo tồn đất ngập nước, đảm bảo giảm áp lực về đa dạng sinh học ở đầm phá và tăng thu nhập hộ gia đình từ các hoạt động sinh kế thân thiện với môi trường hơn ở đầm phá trong dài hạn. Chúng tôi nhận thấy, dự án đã cơ bản triển khai các hoạt động một cách đồng bộ và đã đạt được các kết quả nhất định. Bước đầu đã hình thành nhận thức đối với người dân, cộng đồng trong công tác bảo tồn bền vững đất ngập nước. Người dân các huyện, thị xã ven đầm phá ủng hộ rất cao việc thành lập Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang- Cầu Hai…”- ông Thông chia sẻ.

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tại tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương liên quan thực hiện “Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”, với mục tiêu cơ bản ban đầu là thúc đẩy vai trò quốc gia và quốc tế của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; phát triển vùng đầm phá dựa trên các chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát triển vùng đầm phá này đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 trở thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và tỉnh Thừa Thiên Huế về nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững; một trung tâm quốc gia, quốc tế về du lịch sinh thái cảnh quan nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện mức sống và bảo vệ cảnh quan, môi trường đặc biệt vùng đầm phá…

“Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan phối hợp cùng Ban quản lý dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” và đơn vị tư vấn Viện TN&MT biển hoàn thiện hồ sơ thành lập Khu bảo tồn ĐNN Tam Giang - Cầu Hai nhằm mục tiêu phục hồi, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái vùng đầm phá đã và đang bị suy thoái, tiến đến phát triển một cách bền vững. Đồng thời, trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN&MT cùng nhau trao đổi trong việc xây dựng ý tưởng, khảo sát hiện trạng, góp ý các bản dự thảo quy hoạch nhằm tránh chồng chéo trong quy hoạch xây dựng và quy hoạch các phân khu của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai dự kiến được thành lập”- ông Định nhấn mạnh.