Yên Bái: Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lan rộng

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:29, 20/05/2019

(TN&MT) - Hiện nay, tình hình lây lan của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng. Từ ngày 7-19/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi liên tục xuất hiện các ổ dịch và lan rộng ra 6/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái.
Yên Bái đã cấp hơn 2.000 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng
Yên Bái đã cấp hơn 2.000 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: Tính đến 15h ngày 19/5, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 167 hộ chăn nuôi, ở 17 thôn, tổ của 9 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo đó, huyện Văn Chấn có 1 xã; thị xã Nghĩa Lộ 1 xã; Trấn Yên 2 xã; Trạm Tấu 3 xã, Lục Yên 1 xã và huyện Yên Bình có 1 xã. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch, các huyện, thị xã đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh với 847 con, trọng lượng trên 40 tấn.

Ngày 19/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã gửi 5 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi về Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương chờ kết quả xét nghiệm. Trong đó, huyện Trấn Yên 3 mẫu (thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân; thôn Hợp Thành, xã Quy Mông; thôn 7B, xã Việt Cường); huyện Văn Chấn 1 mẫu (thôn Nậm Tộ xã Thạch Lương); huyện Trạm Tấu 1 mẫu (bản Tả Chử, xã Phình Hồ).

Đến nay tỉnh Yên Bái đã cấp 2.622 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch. 

Ngay sau khi có dịch xảy ra, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm theo quy định. Các địa phương cũng đã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh để khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng; trong đó chú trọng đến công tác kiểm soát vận chuyển lợn và tiêu thụ các sản phẩm động vật, hạn chế người ra vào vùng dịch.