Thái Nguyên: Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, thiếu chỗ chôn lợn chết
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:20, 10/05/2019
Các ổ dịch mới được phát hiện tại xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ từ ngày 3/5 với 6 mẫu dương tính với bệnh dịch tả Châu Phi; Thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai ngày 3/5 với 3 mẫu dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Ngoài ra, ổ dịch mới còn được phát hiện ở phường Tích Lương, Tân Thành thuộc Thành phố Thái Nguyên; xã Hà Châu, huyện Phú Bình…
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công văn số 1596/UBND-CNN về việc đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, yêu cầu các địa phương trong tỉnh vào cuộc để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi với nhiều biện pháp như: Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ, khi có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi mới được phép tiêu thụ sản phẩm động vật tại chỗ; thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nghiêm cấm việc vứt xác lợn ốm chết ra ngoài môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các địa phương có dịch theo đúng quy định; tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo hướng dẫn.
Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 39 chốt kiểm dịch, trong đó có 5 chốt tỉnh và 34 chốt huyện. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập 9 đội kiểm tra liên ngành gồm 1 đội cấp tỉnh và 8 đội cấp huyện phối hợp với chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm như vận chuyển, tiêu thụ động vật hoặc sản phẩm động vật trái quy định. Thực hiện quản lý chặt chẽ việc kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn.
Bằng mọi biện pháp cứng rắn, tỉnh Thái Nguyên kiên quyết chống chặn Dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, do virut lạ, chưa có thuốc kháng nên bệnh dịch đã lan rộng nhanh chóng đánh phá đến các đàn lợn có số lượng lớn ở các trang trại chăn nuôi. Hậu quả khiến người nông dân điêu đứng, hoang mang lo lắng tột độ. Dịch lan rộng, lợn chết nhiều. Việc tổ chức tiêu huỷ xác lợn chết ở một số địa phương đã khiến nhân dân sở tại bức xúc, phản ứng mạnh mẽ. Mới đây, việc UBND xã Hà Châu chỉ đạo tiêu huỷ xác lợn chết cách bờ rào của một trang trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn là 40 m. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì không sai. Tuy nhiên việc làm trên đã như gáo nước sôi giội vào gia đình chủ trang trại lợn gần đó nỗi lo lắng phát sinh dịch hạ sát đàn lợn hàng nghìn con. Họ lo ngại mất trắng tài sản nếu dịch xảy ra. Người dân bức xúc đã phản ứng gay gắt khiến chính quyền và phòng ban chức năng liên quan phải vào cuộc làm hạ nhiệt vụ việc. Ông Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã trăn trở bộc bạch: Xã nhà thì đất chật, người đông. Khi dịch tả lợn Châu Phi xảy đến, lợn chết nhiều. Xã không thể đem xác lợn chết lên chùa, đình để chôn trong vườn, cũng không thể mang ra bãi tha ma để chôn gần người chết vì lí do tâm linh. Còn nhà văn hoá, vườn trường học, sân vận động, chợ… thì là nơi sinh hoạt đông người không thể chôn xác lợn vào đó được. Quỹ đất công thì cơ bản đã hết, khi quy hoạch nông thôn mới xã, huyện cùng không tính đến phần đất dành cho xử lý hậu quả của thiên tai dịch hoạ nên gặp nhiều khó khăn quá.
Chưa hết, ngay sau đó một vài ngày, tại tổ 8 phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên lại xảy ra một vụ việc nhiều người dân bản địa bức xúc ngăn cản việc chôn xác lợn chết vào đất ruộng, gần đường giao thông, gần khu dân cư. Chính quyền phường đã phải huy động ngành chức năng đến bảo vệ hiện trường để việc chôn lấp diễn ra được hoàn tất.
Qua các sự việc phát sinh nêu trên, thực tế đã bộc lộ những bất cập nhất định trong xử lý tiêu huỷ xác động vật mắc dịch chết hàng loạt. Trao đổi với ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên về vấn đề có nên dành quỹ đất cho xử lý hậu quả của thiên tai dịch hoạ, ông Giang đã cho biết: Hiện tại, tỉnh đã cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 90% cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, đất đều đã có chủ. Phần quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã, phường, thị trấn đầu không có quy định nào cắt phần đất dành cho tiêu huỷ, chôn lấp xác động vật chết. Vì thế, lợn nhà ai chết thì chôn tại vườn nhà ấy dưới sự giám sát của ngành chức năng và buộc phải chôn lấp đảm bảo theo các quy định của pháp luật, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Còn ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên đã có nhận xét đánh giá rằng: Trong lịch sử ngành thú y trong mấy chục năm qua chưa có trận đại dịch nào lớn như thế này. Dịch tả lợn Châu Phi đã tàn phá đàn lợn của nông dân Thái Nguyên khủng khiếp quá. Ngành chăn nuôi, thú y gồng mình chống dịch mà thấy mệt mỏi. Nhiều khó khăn chồng chất khó khăn, lợn chết hàng loạt, thiếu quỹ đất dành cho tiêu huỷ đây là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Dân thiệt hại đàn vật nuôi lớn, xót của lại càng dễ phản ứng khi bị ngăn cản không cho chôn lợn chết vào vườn. Bài toán khó giải này dành cho địa phương, ngành chức năng chúng tôi chỉ biết vận động tuyên truyền và tập trung chuyên môn sâu để phòng ngừa bệnh dịch giúp bà con nông dân sớm tái đàn và chăm sóc tốt vật nuôi của gia đình.
Nói về hướng xử lý tiêu huỷ xác động vật mắc dịch chết hàng loạt thì ông Trung đã gợi mở: Nếu được thì mỗi địa phương nên cấp kinh phí thuê đóng một chiếc xe chuyên dụng để tiêu huỷ xác động vật chết và nội tạng động vật thu giữ được. Chiếc xe này có thể dùng nồi hơi, nhiệt lượng cao xử lý xác lợn, gà, trâu, bò…tại chỗ. Sau một thời gian nhất định, ngành chức năng mang mẫu sau xử lý nhiệt đi giám định nếu thấy vô trùng tuyệt đối thì cho phép mang xác động vật đi nghiền làm thức ăn chăn nuôi cá và các vật nuôi khác giống loài thì vừa tránh được lãng phí, vừa tiết kiệm kinh phí, công sức của tập thể…
Đây là một ý tưởng mới có chiều hướng khả quan cần được nghiên cứu, triển khai thử nghiệm. Mặt khác, nên chăng dùng xe chuyên dùng qua khử trùng, vận chuyển xác động vật chết đến bãi rác tập trung của địa phương xử lý chôn lấp hoặc đốt sẽ đảm bảo khắc phục được nhiều khó khăn, bất cập tiêu huỷ xác lợn chết như hiện nay.