Gia tăng tai nạn lao động trong xây dựng và cháy nổ
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:57, 04/05/2019
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương, trong năm 2018, tai nạn lao động đã làm 1.039 người chết, đặc biệt là đối với khu vực làm việc không có hợp đồng lao động tăng 59% số người chết do tai nạn lao động.
Trong những tháng đầu năm 2019, một số vụ tai nạn lao động trong xây dựng, cháy nổ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người vẫn tiếp tục xảy ra như sập đồ công trình xây dựng, cháy nhà xưởng nhiều người chết.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về An toàn, vệ sinh lao động Lê Tấn Dũng cho rằng, những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là rất lớn, để lại những nỗi đau cho biết bao gia đình, là gánh nặng đối với xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng hiện hữu.
“Chúng ta vừa phải lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được lãng quên những vấn đề xã hội, tất cả mọi người phải được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động phải được sự quan tâm của cộng đồng, phải trở thành những chuẩn mực chung trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và phát triển bền vững”- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Để Tháng hành động được triến khai hiệu quả, thiết thực, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công tác đánh giá nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới cấp huyện, cấp xã, cả trong khu vực không có quan hệ lao động, các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao dộng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng nhận diện rủi ro, làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.