Kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam: Chuyện cựu binh 10 năm xung trận cho ngày toàn thắng
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:48, 29/04/2019
(TN&MT) - 10 năm lăn lộn trên khắp chiến trường Quảng Trị, bế xác đồng đội giữa vòng vây quân thù, bị giáng chức, hạ quân hàm oan vì để “mất vũ khí”, không một chế độ trợ cấp sau rời quân ngũ, ngày ngày sửa xe đạp làm kế sinh nhai, đó là tất cả “tiểu sử” của ông. Ông bảo, để đánh giặc thống nhất đất nước, gian khổ mấy mình vẫn đi, tiếc gì đời trai trẻ. Ông là cựu binh Đào Thanh Hải – dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ trong chiến trường Quảng Trị từ năm 1971-1975 của thế kỷ XX.
Miền Nam đi chẳng tiếc đời xanh
Đối diện với cổng Trường Tiểu học Phước Thắng phường 11 đường Đô Lương TP. Vũng Tàu (Bà Rịa -Vũng Tàu) có ông già nước da sạm đen, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ, ngày ngày bơm, vá, sửa xe đạp. Học sinh đến bơm, vá gọi là “ông già xe đạp”, những người đi đường chẳng may bị “xì lốp” ghé quán, ông sẵn sàng bơm vá miễn phí. Nhưng ít ai biết “ông già xe đạp” này đã từng giữ chức đại đội trưởng cầm quân chiến đấu đánh quân thù trên chiến trường Quảng Trị những năng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông bảo: “Tuổi thanh xuân bỏ lại chiến trường hơn 10 năm. Giờ về đời thường rồi, ai biết mình là dũng sĩ diệt Mỹ. Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng ký ức những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội vào sinh ra tử thì không bao giờ quên được”. “Ông già xe đạp” ấy là cựu binh Đào Thanh Hải- dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ trên chiến trường Quảng Trị từ năm 1971-1975 của thế kỷ XX.
Đầu năm 1971, từ xã Trực Hưng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà, ông Đào Thanh Hải xung phong lên đường tòng quân đánh giặc. Tuổi 17 phơi phới sức trai, ông ra đi không hẹn ngày trở lại. Buổi chia tay lên đường, mẹ ông khóc nghẹn, bảo: “Con ơi, đánh giặc xong, về nhé”. Ông Hải không nói nên lời, cầm tay mẹ rồi bước đi theo đoàn quân vào trận tuyến. Ông Hải cùng nhiều thanh niên trong xa Trực Hưng lúc đó được đưa thẳng đến chiến trường A Lưới, A Sầu sau hai tuần nhập ngũ. Đại đội 16, trung đoàn 66 hỏa lực, sư đoàn 304 Quảng Trị là đơn vị ông đóng quân đầu tiên. Sau những ngày “lăn lê bò trườn” ở “chảo lửa” nơi ở thao trường hậu cứ, ông Hải ra trận với một khẩu AK và lòng yêu Tổ quốc và lòng căm thù giặc dâng cuộn trong tim.
Cũng như nhiều chiến sĩ khác ngày ấy, ông Hải cầm súng chiến đấu với tư thế dũng cảm của người lính quân chủ lực. Sau trận đánh ở cứ điểm A Sầu, A Lưới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông được phong hàm vượt cấp từ binh nhì lên trung sĩ. Sau đó, ông bước vào trận chiến đấu đánh đồn địch ở sân thành cổ Quảng Trị với khí thế chiến thắng. Trong trận “đối địch” này, ông được cấp trên phong quân hàm thượng úy, giữ chức đại đội trưởng đại đội 66, chỉ huy 120 quân cảm tử với quân thù. Khi tôi hỏi: Thành Cổ là “chảo lửa” khốc liệt, nhiều người vào trận xác định hi sinh, ông có do dự trước khi ra trận? Ông Hải trầm ngâm giây lát rồi trả lời: “Ngày ấy nói đi đánh giắc là sướng lắm. Trước khi ra trận, ai biết A Sầu, A Lưới, Thành Cổ là gì? Song chú xác định, đi đánh giặc dù hi sinh cũng cống hiến cho Tổ quốc. Đã đi chiến đấu thì tiếc gì đời trai nữa”.
Bế xác đồng đội giữa vòng vây địch
Cho đến bây giờ nửa thế kỷ trôi qua, kỷ niệm đau thương nhất luôn làm ông Hải nhói tim mỗi lần nhắc tới chiến trường, bom đạn. “Mỗi lần nói chuyện chiến đấu hay sự hi sinh của bộ đội thời chiến tranh, chú lại giật mình nghĩ đến đồng đội chiến đấu năm xưa ở chiến trường Quảng Trị. Tuổi già quên nhiều thứ, nhưng những ngày cầm súng chiến đấu thì không bao giờ quên. Đó là những ngày hi sinh gian khổ nhưng cũng đẹp đẽ nhất đời chú”, ông Hải chia sẻ.
Ông không còn nhớ tháng ngày chính xác ông cầm quân chỉ huy 120 cán bộ chiến sĩ đại đội đội 16 (trung đoàn 66 hỏa lực, sư đoàn 304) tham gia 10 trận đánh khắp các chiến trường Quảng trị từ năm 1971-1975, song trận đánh quân thù cuối hè năm 1971 thì không bao giờ quên. “Sau một trận pháo địch oanh tạc vào đội hình chiến đấu, đại đội đại đội chú có lệnh tiếp tục phòng ngự phía đồi thông trên một điểm cao tại trận địa Thành Quảng Trị và tiêu diệt địch tiến công lên điểm cao. Cả đại đội vừa đào hầm, vừa chiến đấu. Bỗng một loạt pháo từ không trung dội xuống, chú quay lại nhìn thấy có rất nhiều đồng đội hi sinh. Biết cứu ai, bế ai? Chú quì xuống bế anh Duy, anh Thạo- hai đồng đội thân nhất của chú gào khóc. Đúng lúc đó thì quân địch ào tới. Bản lĩnh người lính mách bảo chiến đấu dù phải hi sinh. Chú đặt đồng đội xuống, cầm súng và nhìn thẳng vào mặt một tên lính Mỹ. Đúng lúc đó thì bộ đội ta phá vây. Chú thoát khỏi vòng vây địch. Chính tay chú đã chôn xác anh Duy và anh Thạo ngay sườn đồi thông”, ông Hải hồi tưởng lại.
Non nửa thế kỷ trôi qua qua, không ngày nào ông Hải không có những giờ phút nhớ về 120 đồng đội cũ- những người đã cùng ông chiến đấu tiêu diệt quân thù và góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam bất tử của thế kỷ XX. Và cũng ngần ấy thời gian, lương tâm ông Hải luôn day dứt vì nhiều hài cốt, trong đó có máu thịt của anh Thạo, anh Duy- hai đồng đội thân nhất của ông vẫn vùi trong lòng đất Quảng Trị. Vì thương đồng đội, năm 2014, ông Hải bắt xe đò từ Vũng Tàu về Nam Định và Hải Dương để cùng gia đình hai liệt sĩ vào Khe Sanh tìm mộ anh Duy, anh Thạo, nhưng không thấy. “Trở lại Khe Sanh, tất cả đã thay đổi. Chú đến Làng Vây, sân bay Tà Cơn, A Sầu, A Lưới và tận rừng thông- nơi chú chôn đồng đội, nhưng cũng không thấy mộ. Người dân địa phương ở đây bảo, mộ anh Duy có người đã bốc về quê rồi. Như vậy, xương cốt các anh vẫn vùi trong lòng đất ở Khe Sanh. Đại đội chú có 120 chiến sĩ, qua trận đánh đầu tiên còn 80 chiến sĩ, trận sau cùng còn lại 17 người”.
Ông Hải rưng rưng nước mắt nhìn ra khoảng trống trước hè. Non nửa thế kỷ trước, ông khóc vì sự hi sinh tàn khốc của chiến tranh và căm phẫn quân thù. Gần nửa thế kỷ sau, ông khóc vì nhiều xương cốt đồng đội ông còn nằm lại chiến trường đất thép ấy và cả niềm tự hào với tư cách là người lính đã một thời “vào sinh ra tử”. Ông bảo, ông được sống như ngày hôm nay, bao đồng đội đã ngã xuống. Chiến tranh loạn lạc, bom đạn tránh mình chứ mình biết đâu mà tránh. Được sống và trở về là tự hào lắm rồi.
Chuyện từ thượng úy trở thành binh nhất
Ông Hải lấy ra từ ngăn tủ tập “Hồ sơ chiến đấu Quảng Trị” đưa cho tôi xem và bảo: “Cả đời lính của chú là đây. Tất cả trong bộ hồ sơ này”.
Mở túi “Hồ sơ chiến đấu Quảng Trị” có nhiều bằng khen, huân, huy chương các loại. Trong nhiều bằng khen ngả màu vàng ố ấy, có tờ giấy chứng nhận được tặng danh hiệu “Dũng sĩ cấp ba” do thủ trưởng đơn vị- Phó Chính ủy Trần Văn Trình ký ngày 20-5-1974. Giải thích danh hiệu “Dũng sĩ cấp ba”, ông Hải bảo: “Lúc đó cứ bắn cháy ba xe tăng thì được tặng danh hiệu chiến sĩ dũng sĩ cấp một. Chú bắn cháy một xe tăng địch được tặng dũng sĩ cấp 3”.
Có một điều suốt gần nửa thế kỷ qua, chưa một lần ông Hải tiết lộ chuyện ông bị giáng chức, hạ cấp từ thượng úy - đại đội trưởng xuống binh nhất. “Chiến tranh loạn lạc, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, có những hàm oan mình không lường trước được. Nhưng được chiến đấu tiêu diệt quân thù là hạnh phúc rồi”, ông Hải chia sẻ.
Chuyện “từ thượng úy trở thành binh nhất” ông Hải kể lại. Trong một trận đánh phá vòng vây quân thù rút về hậu tuyến, tiểu đội hỏa lực của ông tháo chạy để quên lại giao thông hào một khẩu DKZ và một súng đại liên. “Khi đại đội kiểm tra súng đạn, mất một khẩu DKZ và một khẩu đại liên, chú bị kỷ luật liên đới. Mặc dù chiến sĩ của mình làm, nhưng mình là người đứng đầu đành chấp nhận. Sau khi dáng chức, chú vẫn chiến đấu 8 trận nữa. Cũng chính vì lý do đó mà chú không có chế độ gì sau phục viên”, ông Hải phân trần.
Ông Hải cũng đã nhiều lần làm đơn gửi Hội cựu chiến binh, UBND phường 11 TP. Vũng Tàu về việc “xem xét khôi phục chế độ” cho ông, song tất cả đều rơi vào im lặng. “Ba lần chú làm đơn gửi đi xin xem xét chế độ cựu binh sau chiến tranh, nhưng chẳng có nơi nào trả lời. Bây giờ cũng không cần tiền nữa, nhưng đó là danh dự người lính”, ông Hải chia sẻ.
Ước vọng cuối đời
Năm 1977 ông Hải được ra quân. Gia tài của người lính trở về địa phương sau 10 năm quân ngũ và trực tiếp cầm súng chiến đấu 10 trận đánh trên chiến trường khắp miền Quảng Trị là những tấm huấn, huy chương hạng nhất, hạng nhì thời kỳ chống Mỹ. Dẫu những tấm huân huy chương ấy không sinh ra lúa gạo và nuôi sống ông hằng ngày, nhưng nó lại là “tài sản” quí giá nhất của đời ông. “Tài sản” ấy không thể đo bằng tiền, vàng; mà đó là máu thịt, danh dự và niềm tự hào của một thời hoa lửa. “Đã là người lính chẳng có niềm kiêu hãnh, hạnh phúc, chẳng có sự hi sinh nào lớn lao hơn sự hi sinh máu xương cho Tổ quốc. Thế hệ người lính các chú thời Khe Sanh là như vậy”, ông Hải kiêu hãnh, nói.
Để mưu sinh, ông Hải mở tiệm sửa xe đạp trước cửa nhà con gái ở đường Đô Lương phường 11, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngày ngày ông sửa, bơm, vá giá rẻ cho học sinh. Nhiều em đến sửa xe, ông không lấy tiền khi biết hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Kiếm được năm chục, một trăm, không nhiều, nhưng cũng đủ để nuôi sống ông mỗi ngày.
Có một điều luôn đau đáu trong tim ông, một dịp nào đó thuận lợi được trở lại A Sầu, A Lưới, Sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị- chiến trường khốc liệt năm xưa để tìm và đưa hài cốt hai đồng đội của ông về với gia đình.