Lý giải về sự hình thành đảo “khủng long” ở Hội An
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:42, 13/04/2019
Năm 1988, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận từng xuất hiện một đảo cát gần bờ hơn đảo “khủng long” bây giờ, với kích thước lớn gấp 4 lần và lệch về hướng Bắc.
Đảo này dịch chuyển dần và nhập dính vào bờ năm 1991 cùng lúc với một cửa sông mới hình thành do một trận lũ tại vị trí khu du lịch Victoria hiện nay.
Đến năm 1998, xem như đảo cát này là đất liền và mũi của đảo cát chính là cồn dương liễu bây giờ.
Về cơ chế hình thành đảo cát năm 1988 và đảo “khủng long” bây giờ cơ bản giống nhau và cũng là hiện tượng tự nhiên bình thường tại các cửa sông mà bên trong có phù sa nhiều.
Sự tương tác của dòng chảy mang phù sa từ sông đổ ra biển, sự dịch chuyển của dòng chảy mang trầm tích ven bờ và chế độ sóng, thủy triều theo mùa từ bên ngoài vào tạo thành một “điểm dừng”, bồi tụ dần qua năm tháng hình thành bãi ngầm ngay trước cửa sông.
Vị trí cách đất liền xa hay gần phụ thuộc vào lưu tốc các dòng chảy và trường sóng. Lâu dần bãi ngầm nhô cao, vào mùa triều kiệt nước rút xuống và gió vun cát lên thành bãi nổi.
Bãi nổi này không đứng yên mà dịch chuyển về hướng Tây Bắc hoặc Tây Nam tùy vào đặc điểm động lực học cửa sông, ven biển.
Đối với đảo “khủng long”, tháng 11/2017 xuất hiện một trận lũ mạnh, cùng lúc với việc phá dỡ bãi đúc dầm cầu Cửa Đại ở phía Bắc đã làm dòng chảy dịch chuyển mạnh về phía Bắc.
Lượng bùn cát đổ ra sông trong 4 ngày của trận lũ này là 2,2 triệu tấn, bằng 56% tổng lượng bùn cát ra sông của cả năm. Do ảnh hưởng của sóng nên lượng bùn cát này không đi xa được mà đọng lại tại cồn cát ngầm ngoài Cửa Đại vốn đã được hình thành từ trước đó.
Ngoài ra, lượng cát xói lở từ bãi biển Cửa Đại khoảng 350.000 m3 cũng dịch chuyển về phía Nam do gió mùa Đông Bắc và lệch ra phía Đông do sóng phản xạ và dòng chảy từ sông cũng đọng lại bãi ngầm này.
Từ năm 2018 đến nay, không có gió bão hoặc áp thấp nhiệt đới lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này nên bãi ngầm ổn định với diện tích cả trăm héc-ta và một phần nổi nhỏ nổi lên trên, ước chừng khoảng 12ha.
Hiện nay đang vào mùa hè nên gió Đông vun cát thêm khiến cồn cát dâng cao hơn, khi triều kiệt càng thấy bãi rộng hơn. Phía Đông của đảo cát có độ dốc thoải hơn phía Tây do phía Tây không có sóng và chịu tác động của dòng chảy ven bờ, dòng chảy từ sông.
Doi cát ngầm đang có xu hướng dịch chuyển chủ yếu về phía Tây Bắc mặc dù cũng có dịch chuyển về phía Tây Nam. Khác với đảo cát năm 1988, lúc đó bãi biển Cửa Đại không bị lở và không có dòng chảy mạnh ven bờ như bây giờ nên việc đảo cát này dịch chuyển dính vào bờ là khó hơn, tuy nhiên chắc chắn sẽ gây bồi lấp luồng tàu phía Bắc.
Trước đó, như Báo TN&MT thông tin, một đảo cát nổi lên trước cửa hạ nguồn sông Thu Bồn từ năm 2017 với chiều dài chừng 100m khiến dư luận xôn xao. Đến thời điểm hiện tại, cồn cát nổi giữa vùng biển Cửa Đại kéo dài tới 3 cây số với bề rộng gần 200m. Cồn cát trông như một đảo nhỏ nhìn từ trên cao này cách cảng Cửa Đại tầm 10 phút di chuyển bằng thuyền. Từ sau Tết Nguyên đán, rất nhiều người dân địa phương và du khách đổ xô tìm tới đảo cát để dựng lều trại, vui chơi.
Ngày 23/3, Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp. Đến ngày 5/4, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến thực tế đảo cát “khủng long” nổi lên giữa biển Hội An.
Hiện nay, địa phương đã tiến hành cắm biển cấm vì lo ngại mất an toàn cho người dân và du khách lên đảo cát này.