“Sống mòn” dưới tán rừng cao su - Bài 1: Vỡ mộng “vàng trắng”

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:49, 04/04/2019

(TN&MT) - Gần 18.000 hộ dân tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, trong đó, tỉnh Sơn La chiếm 12.500 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới để nhường chỗ cho Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. Nhà máy đã đi vào hoạt động năm 2012, công cuộc di dân cũng chấm dứt năm 2010. Để ổn định quốc kế dân sinh cho đồng bào các dân tộc, tỉnh Sơn La và Tập đoàn Cao su Việt Nam đã quyết tâm đem cây cao su lên “miền đất hứa” để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Nhưng giấc mơ “vàng trắng” ấy đang khiến cho nhiều người dân gặp không ít khó khăn do tới tuổi thu hoạch nhưng cao su không đạt sản lượng mủ như mong muốn, trong khi giá nguyên liệu mủ cao su  giảm sâu, chính sách hỗ trợ cho người dân góp đất trồng cao su chưa được quan tâm kịp thời, khiến đời sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn.
2 (6)
Người dân bản Củ Pe, xã Mường Bon, Mai Sơn không còn mặn mà với cây cao su

Góp đất trồng cao su với Công ty CP Cao su Sơn La theo chủ trương định hướng của HĐND tỉnh Sơn La, nhưng sau 10 năm trồng, cây cao su đến tuổi cho khai thác mủ, sản lượng ít, không đồng đều, trong khi giá nguyên liệu mủ cao su rớt thê thảm, khiến cho nhiều hộ dân lao đao, thu nhập không ổn định nên bỏ đi làm thuê. Người dân đang gặp khó khăn ngay trên “mỏ vàng trắng” của chính mình dày công vun xới.

Điêu đứng bên “mỏ vàng trắng”

Hàng nghìn hộ dân thuộc diện phải tái định cư để nhường đất cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, họ bỏ quê, bỏ đất để đến nơi ở mới để góp đất nông nghiệp với Công ty CP Cao su Sơn La trồng cao su với mong muốn đổi đời. Tuy vậy, sau 10 năm góp đất, cây cao su đến tuổi thu hoạch nhưng mủ chẳng là bao, khiến thu nhập nhiều người dân không đảm bảo, họ phải bỏ việc, bỏ đồi cao su để tìm kế sinh nhai.

Có mặt tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được biết, phần lớn các hộ dân đều từ huyện Quỳnh Nhai về tái định cư, họ được giao đất làm nhà, đất nông nghiệp để canh tác. Gia đình anh Lò Văn Hai, ở bản Củ Pe được giao hơn 1ha đất canh tác, sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã tham gia góp 100% diện tích đất với Công ty CP Cao su Sơn La để trồng. Từ năm 2008 đến năm 2011, anh được nhận làm công nhân trồng và chăm sóc cây cao su, mỗi tháng, thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng. Sau đó, công việc thưa dần, thu nhập giảm sút, nhất là trong 3 năm trở lại đây, anh đã phải bỏ việc đi làm thuê để đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Ông Lường Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Bon, huyện Mai Sơn chia sẻ, việc các hộ dân tham gia trồng cao su đang gặp khó khăn trong cuộc sống là sự thật. Trước tình trạng đó, chính quyền xã tích cực vào cuộc vận động, giúp các hộ dân phát triển kinh tế nhưng do kinh tế gia đình khó khăn nên việc có vốn để đầu tư chăn nuôi, buôn bán rất khó khả thi.

1 (8)
Ông Lường Văn Chương, Trưởng bản Lạnh B, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu

Trong khi đó, tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Trưởng bản Lạnh B, Lường Văn Chương chẳng bao giờ nghĩ đến viễn cảnh ngày hôm nay mình phải vào rừng tìm củi để mưu sinh. Ông Chương cho biết, 24 năm đảm nhiệm chức Trưởng bản lại cảm thấy cuộc đời mình có lúc buồn đến vậy, thời gian mỗi ngày trôi qua dài đằng đẵng, chờ đợi và chờ đợi cây cao su cho mủ.

Nét mặt buồn rầu, ông Chương nhớ lại: Cách đây khoảng 10 năm, khi thực hiện chính sách, chủ trương trồng cây cao su theo cách “đã vào quy hoạch”, ông Chương đã góp 1,6ha đất canh tác ngô, sắn hàng năm của mình với thu nhập khoảng 20 triệu/năm để trồng cao su. Khi ấy, ông cùng 147 hộ dân khác được điền tên vào danh sách những hộ góp đất, hộ góp nhiều lên đến 7ha, hộ ít vài trăm m2.

Với những hộ góp đất từ 1ha trở lên sẽ có một suất làm công nhân cho Công ty Cổ phần Cao su Sơn La (Công ty Cao su Sơn La) thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Từ khi góp đất, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân theo thời vụ ít ỏi. Khi có việc, mới có lương, cuộc sống trở nên khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác, buộc ông Chương phải lên núi canh tác. Đứng ở nhà ông nhìn lên triền núi thấy những đám khói bay lơ lửng, hỏi ra mới biết đó là nơi ông vừa đốt cây cỏ dại để sắp tới trồng ngô.

Nhiều người dân cho biết: Nếu cứ để cao su thì tương lai sẽ không biết thế nào, hiện tại, người dân không thể sống nhờ cây cao su. Vì trong vòng hai năm cạo mủ với 6.300m2 Công ty Cao su Sơn La chia cổ phần được 1 triệu đồng, trong khi trồng ngô sắn giá sẽ được cao hơn. Bây giờ, muốn lấy lại đất cũng khó vì đã ký hợp đồng góp đất với Công ty. Ở bản, nhiều hộ đã ký và đã đưa cho Công ty Cao su Sơn La ra UBND xã đóng dấu nhưng chưa thấy đưa lại hợp đồng?!

Bắc thang lên hỏi ông… trời

Bà con huyện Thuận Châu đã ký hợp đồng góp đất trồng cao su với Công ty Cao su Sơn La đạt tới 90%, giờ người dân muốn đòi lại đất cũng rất khó khăn. 10 năm góp đất trồng cao su, giờ cao su đã đến kỳ thu hoạch, đây lại là tài sản của Công ty và là chủ trương lớn của tỉnh Sơn La nên dân rất khó “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT Thuận Châu chia sẻ: Giờ giá thấp nên bà con buồn, lúc trồng là giá mủ cao su hơn 100 triệu/tấn, giờ chỉ còn có 30 triệu/tấn.

Anh Lò Văn Thuận, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu tâm sự: Gia đình góp 3.000m2 đất để trong cao su từ năm 2008, đến nay, vẫn chưa cho thu hoạch. Trước cán bộ bảo khi nào có nhựa, có mủ thì được cổ phần. Nhưng giờ 10 năm, chưa thấy cổ phần đâu. Khi trồng cây, cán bộ Công ty, cán bộ địa phương tới vận động góp đất bằng mọi giá, bà con dân bản thấy cán bộ nói hay, nói tốt nên theo. Giờ cao su không cho thu hoạch, giá mủ giảm không ai nói gì. Chỉ ngày Tết, Công ty cho 2 hộp bánh, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm. Giờ, gần như bà con bỏ Công ty hết, ai cố ở lại, ngày công phát cỏ 120 cây được 1 công, tương đương 50.000 - 60.000 đồng, công bón phân cao hơn một ít. Nếu quy đổi diện tích đó trồng cà phê như trước đây, mỗi năm, có cả chục triệu đồng, nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Ông Hồ Anh Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sơn La cho biết: Hợp đồng ký kiến thiết cơ bản là 8 năm. Hợp đồng có sự thống nhất giữa Tập đoàn, Tổng Công ty, các ban ngành của tỉnh và người dân. 20 - 22 năm khai thác, tổng là 30 năm. Năm thứ 9 mới khai thác. Khai thác xong sẽ có tận thu thanh lý gỗ cao su. Năm 2007, Tập đoàn đầu tư, toàn bộ vùng hiện nay trồng cao su đều là đất hoang. Tỉnh và Tập đoàn có hướng là phát triển cây cao su, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định trong vòng 20 năm và 8 năm kiến thiết cơ bản là gần 30 năm. Hiện tại, cuối kiến thiết, cây khép tán, công chăm sóc ít, dân thấy thu nhập ít hơn một chút nên thắc mắc. Vì những lúc đầu khai hoang, trồng mới, đào hố, chăm sóc, rất nhiều công, thu nhập rất ổn định 10 - 12 triệu/lao động/tháng. Vài năm trước, Sơn La có chính sách phát triển mạnh mẽ, thu nhập từ cây ăn quả bước đầu cao hơn cao su, các hộ dân đang so sánh giữa cao su và cây ăn quả khác.

Ông Nguyễn Ngọc Lung, Nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: Trực tiếp nhìn thấy thất bại, nhưng bây giờ anh phải trích mủ thật, tại sao tôi lại nói như thế, vì người ta có 2 tiêu chí để cho anh trích nhựa thử, thường thường là 8 năm, tôi bắt đầu trích nhựa được, thế nhưng người ta lại có tiêu chí thứ 2, đường kính của nó phải lớn hơn 12 - 13 phân, nhưng ở chỗ tôi, 8 năm 12 - 13 phân, chỗ anh chỉ 9 - 10 phân, anh phải nuôi 2 năm nữa anh mới trích nhựa được. Ngoài tuổi ra, còn có đường kính nữa, nếu đường kính anh thấp hơn chứng tỏ đất của anh không phù hợp với cây cao su.