Thừa Thiên Huế: Giải pháp nào giải quyết tình trạng khan hiếm cát?
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:20, 30/03/2019
Những ngày này, khảo sát của PV tại thị trường cát trên địa bàn Thừa Thiên Huế, giá cát đang ở mức cao kỷ lục, trung bình từ 280.000- 300.000 đồng/m3, hơn gấp đôi so với trước đây tầm nữa năm. Cá biệt có nơi gần 400.000 đồng/m3. Trong khi đó cát tô giá cao “khủng”, khoảng trên dưới 450.000 đồng/m3.
Giá cát tăng đã đẩy nhiều nhà thầu đang thực hiện thi công các dự án công trình rơi vào cảnh khó khăn do tăng chi phí mua vật liệu xây dựng, đội vốn đầu tư...
“Giá cát ở Huế đang rất cao so với thị trường chung và lại rất khó mua. Vì thế lượng cát nhập về không đủ để thi công khiến chúng tôi lo sợ chậm tiến độ...”, một chủ đầu tư tại TP. Huế chia sẻ.
Trong khi đó, không ít người dân Huế cũng rất khổ sở khi đây đang là mùa nắng ráo để xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Bà Bùi Thanh Thúy (huyện Phú Lộc) cho hay nhà bà đang xây ngôi nhà rộng gần 100m2, thi công nữa tháng rồi nhưng vẫn chưa xong móng. “Thợ thì dư mà cát thì chưa về nên chậm. Dù tôi đã nổ lực liên hệ nhiều nơi nhưng họ nói hết cát hoặc giá cát cao nên phải chờ. Nếu cứ như thế mãi thì biết đời nào mà xong nhà, mà có chỗ trú ngụ ổn định đây trời...”- bà Thúy nói.
Được biết, hiện tại trên tuyến sông Hương, các mỏ cát, sỏi được cấp phép khai thác đã hết thời hạn, trữ lượng. Tại đây có 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP TMDV Hồng Phát, Công ty CP Châu Thành Phát, Công ty CP XD 939 khai thác cát ở khu vực bãi bồi Lương Quán để cung cấp nguyên liệu xây dựng công trình dân sinh. Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đình chỉ khai thác và thu hồi giấy phép do vi phạm về độ sâu khai thác, xử phạt 3 công ty trên 2,4 tỷ đồng.
Như vậy, hiện chỉ còn trên tuyến sông Bồ là nguồn cung ứng chính cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài ra là một số sông nhỏ vùng nông thôn nhưng xa thành phố. Ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại dùng “chiêu” tích trữ cát, không bán ra thị trường... khiến cho cát xây dựng rơi vào tình trạng khan hiếm như hiện nay. Tình hình này khiến cho việc “cát tặc” xuất hiện trên các dòng sông tại Huế rất nhiều...
Cũng theo quan sát, để mua được cát xây dựng, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình phải ra các mỏ cát ở sông Bồ để tìm kiếm. Tuy nhiên, họ cũng phải trả thêm kinh phí vận chuyển, trung bình khoảng gần 100.000 đồng nữa vì quảng đường xe di chuyển vào TP. Huế là khá xa.
Theo ông Nguyễn Đại Viên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, tình trạng khan hiếm cát, giá cát cao như hiện nay là rất phổ biến không chỉ Huế mà nhiều nơi trên cả nước. Nguyên nhân sâu xa là do cung không đủ cầu, mặt khác thời gian vừa rồi UBND tỉnh cũng đã quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu trên các sông...
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tại Thừa Thiên Huế nhận định rằng chưa khi nào xảy ra hiện tượng này và dự báo giá cát sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, dự báo khoảng 10 năm tới, nhu cầu cát xây dựng của tỉnh này vượt quá năng lực khai thác cát. Vì thế, đưa ra phương án nghiên cứu dùng cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng, cát nhân tạo (cát xay), đá mi thay thế cát lòng sông. Tuy nhiên, bài toán nghiên cứu và lựa chọn vật liệu thay thế cát xây dựng không hề đơn giản. Do đó, hiện nay, tỉnh yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng điều tra, khảo sát cát nội đồng có thể làm vật liệu xây dựng thông thường thay thế cát lòng sông hay không.
Bà Trần Thị Hoài Trâm - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm đảm bảo nguồn cung đối với cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho thị trường trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh năm 2018 -2019. Trước mắt, tập trung tổ chức đấu giá đối với khoáng sản cát, sỏi nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Sở GTVT căn cứ Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các điểm cần nạo vét, khơi thông, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo Nghị định nhằm tận dụng nguồn cát, sỏi dôi dư để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trong đó cần triển khai ngay các điểm đã được xác định.
“Nhằm tận thu nguồn cát làm vật liệu xây dựng tại các khe, suối đổ vào các hồ thủy điện, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương và các thủy điện kiểm tra, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh phương án xây dựng các đập chắn tại các khe trước khi đổ vào các hồ thủy điện. Liên quan đến sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát xây dựng, UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT rà soát các điểm mỏ đá phù hợp với khả năng nghiền, xay thành cát nhân tạo; song song với việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư tham mưu UBND tỉnh trong Quý III/2019...”- bà Trâm thông tin.