Đến năm 2025, nhu cầu lao động tại Đà Nẵng tăng và có sự dịch chuyển lớn
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:18, 30/03/2019
Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ” nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế xã hội thành phố thời kỳ mới. Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện xúc tiến đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong năm 2019 với chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” của thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng coi phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư hàng đầu nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực như những nguy cơ về sự tụt hậu, cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các địa phương và khu vực lân cận trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động trong việc phải nâng cao kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng phát triển bản thân.
Theo dự báo, đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng cần thêm 25.000 lao động, chủ yếu là các ngành mũi nhọn: dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin... Cụ thể, nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng hơn 160.000 lao động và đến năm 2030 tăng 330.000 lao động. Tương tự, các nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67.000, riêng ngành Công nghệ thông tin tăng khoảng 22.000 lao động. Như vậy, nhu cầu lao động tăng và có sự dịch chuyển lớn, trong khi đó đang xảy tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và tuyển dụng, chưa có sự kết nối giữa nghiên cứu dự báo thị trường lao động để định hướng đào tạo. Phần lớn doanh nghiệp còn thụ động, trông chờ nguồn nhân lực sẵn có để tuyển dụng. Doanh nghiệp kêu ca chất lượng lao động không đáp ứng, phải đào tạo lại, trong khi đó mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo còn lỏng lẻo.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để cân đối nguồn nhân lực giữa đào tạo và sử dụng cần có sự chia sẻ thông tin, liên kết giữa chính quyền, cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động. Chính quyền thành phố cần chủ động cung cấp thông tin chiến lược phát triển ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trong tương lai đến các trường trung học phổ thông để học sinh lựa chọn ngành nghề tuyển sinh…