Sơn La họp trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:55, 18/03/2019
Tính từ ngày 11 đến ngày 16/3, toàn tỉnh Sơn La có 7 bản, 5 xã thuộc 2 huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó, huyện Thuận Châu xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 6 bản: Huổi Ái (Mường É), Nà La (Mường Bám), Lốm Bè và Quỳnh Châu (Phỏng Lái), Mòn và Mé (Thôm Mòn), với tổng số lợn chết và tiêu hủy hơn 400 con.
Huyện Quỳnh Nhai xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 1 bản Pom Bẹ (Mường Giàng), với tổng số lợn chết và tiêu hủy hơn 240 con.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu những khó khăn và đề xuất các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, như: Thành lập thêm các chốt kiểm dịch động vật; tăng cường tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi tới người dân; chỉ đạo các xã, bản cấm người dân giết, mổ và mua bán lợn trong vùng dịch tả lợn châu Phi; cấp thêm hóa chất thực hiện phun khử trùng, tiêu độc và rắc vôi bột ở tất cả chuồng trại của các bản xảy ra dịch tả lợn châu Phi…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố huy động tối đa các lực lượng, trang thiết bị, kinh phí triển khai những biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đối với các huyện đã xuất hiện bệnh dịch, tiêu hủy triệt để gia súc trong ổ dịch; công bố dịch theo quy định; triển khai thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch ở động vật; tổ chức vệ sinh, quét dọn sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, chuồng trại và phun thuốc tiêu độc khử trùng. Các huyện lập các chốt kiểm dịch theo đúng quy định về phòng, chống dịch; tổ chức thông tin tuyên truyền kịp thời cho nhân dân biết các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng các phương án hỗ trợ tiêu hủy cho nhân dân kịp thời; tổ chức thông tin báo cáo kịp thời về tình hình chống dịch ở các huyện.
Đối với các huyện chưa có dịch, thông tin tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân biết về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, nhất là khâu buôn bán, giết mổ gia súc; thực hiện ngay “5 không” trong phòng chống dịch bệnh thú y; tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc trong vùng chưa có dịch; nắm chắc tình hình và ứng phó kịp thời khi có lợn ốm, lợn chết…