Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại Thừa Thiên Huế

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:38, 19/03/2019

(TN&MT) - Những con lợn của một hộ dân tại Thừa Thiên Huế bị chết, với những triệu chứng của dịch tả lợn Châu Phi. Dịch này đã và đang xuất hiện nhiều tỉnh, thành trên cả nước...
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn nhiễm dịch tại nhà ông Tạ Hồng Uẩn
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn nhiễm dịch tại nhà ông Tạ Hồng Uẩn

Qua tìm hiểu của PV, dù đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn rất tích cực, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại gia đình ông Tạ Hồng Uẩn và bà Hà Thị Hồng (thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).

Theo đó, gia đình ông Tạ Hồng Uẩn có đàn lợn gồm 6 con, từ ngày 16/3 đến 17/3 chết bất thường 4 con. Nghi vấn bệnh, ông Uẩn đã báo với chính quyền địa phương. Kết quả xét nghiệm lâm sàng từ các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch tại gia đình ông Tạ Hồng Uẩn, Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế đã tiến hành mổ khám, lấy mẫu bệnh phẩm và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh ngay lập tức. Đồng thời tiến hành xử lý vôi, tiêu độc khử trùng tại địa điểm tiêu hủy lợn. Cụ thể, sử dụng 80 lít hóa chất và 2 tấn vôi để tiêu độc khử trùng tại thôn Hiền An và các khu vực lân cận.

“Hiện nay, ban chỉ đạo các xã đã tiến hành kiện toàn, thành lập các chốt xung quanh xã Phong Sơn để phong tỏa người ra vào cũng như các loại gia súc, gia cầm. Đồng thời triển khai rà soát những nơi mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn để thực hiện không mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn thôn Hiền An...”- ông Hưng thông tin.

Cán bộ thú y tiêu độc, khử trùng đàn lợn
Cán bộ thú y tiêu độc, khử trùng đàn lợn

Cũng theo ông Hưng, chuồng nuôi lợn của gia đình ông Uẩn nằm ở khu vực heo hút, cách xa QL1A, vì vậy cơ quan thú y thấy lạ khi ổ dịch xuất hiện tại đây. “Bước đầu chúng tôi nghi vấn virus tả lợn lan đến đây qua đường du lịch, vì gia đình ông Uẩn có một quầy hàng nhỏ nơi du khách thường dừng lại ăn uống, mua sắm...”- ông Hưng nói.

Chiều 18/3, sau khi nhận được thông tin lợn chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý cấp bách.

Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, trước tình hình rất nguy cấp hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đến từng hộ nuôi, gia trại và các doanh nghiệp nuôi lợn để thông báo cũng như tiến hành tiêu độc khử trùng, thực hiện các biện pháp sinh học. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng và lãnh đạo chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh bằng cách chôn lấp; tiến hành lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh qua các khu vực khác...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài việc tiêu độc khử trùng, tuy hủy lợn nhiễm bệnh thì việc phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, dập dịch là công tác quan trọng bậc nhất. Như ở trường hợp của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn, các đơn vị đã kịp thời phát hiện và tiến hành tiêu hủy, triển khai các bước tiếp theo để khoanh vùng dập dịch.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo xử lý dịch tả lợn Châu Phi tại thôn Hiền An và các vùng lân cận
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo xử lý dịch tả lợn Châu Phi tại thôn Hiền An và các vùng lân cận

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phương mong muốn các hộ nuôi, các doanh nghiệp, các hợp tác xã nuôi lợn phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để thông báo tình hình đàn lợn của mình. Đồng thời thực hiện đúng cam kết 5 không trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

“Diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện rất là phức tạp, dấu hiệu bệnh bên ngoài của lợn không có dấu hiệu cơ bản như chúng ta từng biết. Trường hợp của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn, nhìn bên ngoài thì không hề có dấu hiệu xuất huyết hoặc dấu hiệu dịch tả. Do đó, nếu heo bị bệnh, có dấu hiệu ốm chúng ta phải ngay lập tức thông tin đến các đơn vị chức năng để các đơn vị này triển khai các biện dập dịch...”- ông Phương lưu ý.

Được biết, trước đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã thường xuyên kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Bộ NN&PTNT cho hay tính đến giữa 3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 250 xã, 57 huyện của 18 tỉnh, thành phố (bao gồm cả Hà Nội), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Đáng lo ngại, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus bệnh ở mọi loại lợn (kể cả lợn cảnh và lợn rừng); lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế; hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị...