Thái Nguyên: Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ra diện rộng

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:02, 16/03/2019

(TN&MT) - Tính đến ngày 15/3, sau 10 ngày từ khi phát hiên ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được phát hiện tại địa bàn xã Tân Khánh, huyện Phú Bình và xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên. Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi có diễn biến rất phức tạp. Việc ngăn chặn rất quyết liệt nhưng gặp nhiều khó khăn.
dic2
Một trong nhiều chốt kiểm dịch động vật đang hoạt động hiệu quả tại các ngả đường ra vào vùng dịch.

Sau khi nhận được thông tin đàn lợn của gia đình ông Dương Văn Phúc ở xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình có dấu hiệu bỏ ăn, sốt, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu huyết thanh trên đàn lợn và gửi đi xét nghiệm. Kết quả xác định có 6 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, kết quả cũng dương tính với dịch tả lợn châu Phi khi xét nghiệm mẫu huyết thanh trên đàn lợn có dấu hiệu sốt và bỏ ăn tại gia đình ông Nguyễn Văn Du ở xóm Việt Cường, xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên. Hiện tượng lợn sốt, bỏ ăn còn xuất hiện ở hai hộ dân thuộc thị trấn Ba Hàng và xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tại đây lại âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, thị xã đã thành lập 15 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại 4 xã, phường: Tiên Phong 5 chốt; Hồng Tiến 6 chốt; Đông Cao 3 chốt; Đồng Tiến 1 chốt, thực hiện khử trùng, tiêu độc mầm bệnh lưu trú trên các phương tiện qua chốt; hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng hóa chất, vôi bột vệ sinh chuồng trại, khu dân cư... Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành “5 không” theo quy định; chủ động thông tin với chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có biểu hiện nghi mắc bệnh, bỏ ăn, chết…. Cơ quan chức năng thị xã cũng khuyến cáo tới người dân không hoang mang, không “tẩy chay” thịt lợn, bởi virus bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người.

dich3
Một hố tiêu hủy lợn mắc dịch tả đã được bảo vệ nghiêm ngặt.

Mặt khác, công tác tiêu hủy đàn lợn đã được tiến hành ngay. Như vậy, tính đến nay, tổng đàn lợn bị tiêu hủy ở tỉnh Thái Nguyên là 131 con. Trước đó, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên đã được phát hiện tại xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình vào ngày 7/3 với tổng đàn lợn tiêu hủy là 52 con.

dich1
Đoàn cán bộ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo Đảng, Chính quyền thị xã Phổ Yên đến cơ sở chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, 9/9 địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 25 chốt kiểm dịch động vật gồm: thị xã Phổ Yên 14 chốt, huyện Đồng Hỷ 2 chốt, huyện Phú Bình 4 chốt, thành phố Sông Công 3 chốt và thành phố Thái Nguyên 2 chốt. Đồng thời, phun khử trùng, tiêu độc trên tất cả các phương tiện khi di chuyển qua chốt; rắc vôi bột tại khu vực chăn nuôi, khu dân cư, đặc biệt là quanh khu vực xảy ra dịch… Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành “5 không” theo quy định; chủ động thông tin với chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu lợn mắc bệnh.

Lãnh đạo các huyện, thành, thị cùng hệ thống chính trị sát sao đến tận cơ sở chăn nuôi của người dân thăm hỏi, kiểm tra và giám sát mọi hoạt động của địa phương nhằm ngăn chặn kịp thời không để dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ chuyên môn ngành thú y, nông nghiệp còn rất mỏng, thiếu thốn nhân lực; kinh phí khó khăn; địa bàn rộng, giáp ranh nhiều tỉnh thành .v.v. Do vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh trên đàn lợn còn hạn chế. Người chăn nuôi cần tư nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi của mình thật tốt mới có thể tránh dịch bệnh xảy ra.