Long Biên – Hà Nội: Năm 2020 không còn cơ sở chăn nuôi thương mại trong khu dân cư
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:06, 17/03/2019
Quận Long Biên, có tổng diện tích tự nhiên là 6.038 ha; với 14 phường. toàn quận hiện có 13/14 phường còn chăn nuôi, trong đó có 7 phường (Cự Khối, Giang Biên, Long Biên, Ngọc Thụy, Phúc Lợi và Thạch Bàn, Thượng Thanh) còn cơ sở chăn nuôi có số đầu gia súc, gia cầm lớn (số gia cầm lớn hơn 10 con/cơ sở; đàn lợn từ 5 con trở lên/cơ sở). Thống kê, đến thời điểm ngày 1/3/2019 toàn quận có: Đàn lợn: 206 hộ chăn nuôi, với 4.018 con; (trong khu dân cư: 162 hộ, với 2.472 con; ngoài khu dân cư 44 hộ, với 1.546 con).
Thông tin về dịch bệnh tả lợn châu Phi phát sinh đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, ông Dương Đình Tình – Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Long Biên cho biết: Ngày 24/2/2019 Trạm Chăn nuôi và Thú y Long Biên nhận được tin báo hộ ông Nguyễn Thái Sơn – Phường Ngọc Thụy nuôi 25 con lợn rừng có biểu hiện bất thường. UBND quận đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiến hành xác minh ổ dịch (lấy 4 mẫu để xét nghiệm) đồng thời chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp chống dịch.
Căn cứ kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, ngày 25/2/2019, UBND quận chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp với UBND phường Ngọc Thuỵ đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ 25 con lợn theo đúng quy trình, đồng thời triển khai ngay công tác tiêu độc, khử trùng môi trường toàn bộ khu vực kể cả 4 hộ chăn nuôi gần khu vực có ổ dịch. Sau tiêu hủy UBND quận đã giao UBND phường Ngọc Thụy lập chốt trực, cắm biển cảnh báo tại khu vực, đồng thời yêu cầu 4 hộ lân cận ký cam kết về công tác phòng chống dịch và cam kết không tự ý giết mổ, bán trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 25/2/2019.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đàn lợn của 4 hộ chăn nuôi (35 con) gần khu vực đàn lợn bị bệnh đã tiêu hủy. Kết quả xét nghiệm: âm tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 4/3/2019 hộ gia đình ông Minh (1 trong 4 hộ chăn nuôi trong vùng dịch) đã có đơn tự nguyên xin tiêu hủy; UBND quận đã tổ chức tiêu hủy 19 con lợn theo đúng quy trình. Ghi nhận của chính quyền quận Long Biên đến ngày 13/3/2019 trên địa bàn chưa phát hiện thêm trường hợp lợn nghi bị bệnh dịch tả châu Phi.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng ra các khu vực khác UBND quận đã tổ chức nhiều đợt phun tiêu độc tập trung; riêng phường Ngọc Thụy đã tổ chức phun liên tục hàng ngày (tuần đầu); hiện đang phun 3 lần/tuần. Tổng diện tích được phun trên 250.000 m2 (tại các chuồng trại chăn nuôi, các chợ, nơi thu gom chất thải, rác thải …). Tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc tập trung toàn quận vào các ngày thứ bảy hàng tuần với 100% các cơ sở chăn nuôi đã được rắc vôi bột.
Thực hiện ký cam kết với 206 hộ chăn nuôi về công tác phòng chống dịch, 100% các hộ chăn nuôi được phát các tài liệu liên quan đến việc cảnh báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch dịch tả lợn châu Phi.
Tất cả các phường trên địa bàn phải có bài tuyên truyền trên đài phát thanh, bảng tin của phường về công tác phòng chống dịch để nhận biết được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tả châu Phi, công khai quy trình xử lý khi có dịch, chế độ chính sách hỗ trợ người dân.
Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội là cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các quận nội thành. Tuy nhiên, trên địa một số quận trong đó có Long Biên vẫn còn hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trong khu dân cư. Việc chăn nuôi trong khu dân cư ảnh hưởng nhiều đến môi trường, sức khỏe của người dân và khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn quận đa số sử dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn dẫn đến khó kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh.
Để giảm thiểu, tiến tới việc chấm dứt các hoạt động liên quan đến chăn nuôi thương mai trong khu dân cư vào năm 2020, UBND quận Long Biên đang tập trung rà soát thống kê, đánh giá hiện trạng mức độ ảnh hưởng (về dịch bệnh, môi trường). Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể đối với từng cơ sở chăn nuôi.