Hà Tĩnh: Triển khai khẩn cấp các phương án đối phó với dịch lợn tả châu Phi
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:01, 07/03/2019
Trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh có đàn lợn trên 426 ngàn con với 145 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn, 38 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại và các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nào. Tuy nhiên, với tổng đàn lợn khá lớn, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, một số địa phương có mật độ chăn nuôi lớn, công tác kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, dự báo về nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn là rất cao.
Trước tình hình đó, tỉnh đã khẩn trương triển khai một số giải pháp tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, các cấp, các ngành tiếp nhận chỉ đạo từ Trung ương, vào cuộc và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để ngăn chặn, phòng dịch bệnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác tuyên tryền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn Dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh gia súc gia cầm; kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh xảy ra để có phương án xử lý, tránh để dịch lây lan trên diện rộng.
Ngành Nông nghiệp và Phát triên nông thôn chủ động nắm bắt thông tin dịch bệnh để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả; phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ các động vật, sản phẩm động vật sai quy định, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, ngành phải chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Các cơ sở, hộ chăn nuôi phải hiểu rõ tính chất nguy hiểm và các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi để phát hiện và có phương án xử lý kịp thời, triệt để. Đảm bảo không tái đàn, tăng đàn vượt số lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mua lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, tổ chức chăn nuôi với quy mô hợp lý, áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Các cơ sở và hộ chăn nuôi đảm bảo thực hiện “5 không” theo đúng quy định của luật thú y: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Các cơ quan phải tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan để tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp về diễn biến, cách phòng, chống dịch bệnh; định hướng thông tin, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và tránh gây hoang mang xã hội; nắm bắt tình hình dư luận để có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề mới, nảy sinh, nhằm ổn định tình hình tại các địa phương, cơ sở.