Quảng Trị: Lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn Châu Phi
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:33, 03/03/2019
(TN&MT) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) sau khi tấn công các trại lợn của người chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc đã lan đến tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh nằm ngay cửa ngỏ Bắc miền Trung. Vì vậy, DTLCP có nhiều khả năng tiếp tục lây lan thêm nhiều địa phương, mà Quảng Trị không phải ngoại lệ.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Là địa phương có vị trí địa lí nằm dọc theo các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh; đường biên giới Việt-Lào dài nên tại Quảng Trị nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nơi khác vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với DTLCP”, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như:
Khẩn trương tổng rà soát tình hình đàn lợn tại các địa phương. Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh DTLCP tại Quảng Trị để xử lí triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.
Thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đặc biệt các địa phương giáp biên giới, giáp ranh với các tỉnh; các địa phương có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các vùng có nguy cơ cao: gần trục đường giao thông, xung quanh các cơ sở, điểm buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn; cơ sở giết mổ gia súc...
Yêu cầu chính quyền các cấp rà soát, dự phòng các phương án tiêu hủy, địa điểm và lực lượng tham gia chôn lấp lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính DTLCP; chuẩn bị bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy, chôn hủy.
Tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chính quyền và các Ban, ngành của địa phương về nguy cơ tác hại của bệnh DTLCP nhằm thay đổi nhận thức của người dân, không tiếp tay hoặc tham gia vào các hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không có nguồn gốc. Đối với hộ chăn nuôi, gia trại, thường xuyên thực hiện chăn nuôi an toàn; chú trọng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển từ nơi đang có bệnh đi bất kì nơi khác; không được phép chữa trị khi lợn có dấu hiệu mắc DTLCP.
Tại Quảng Trị, tính đến cuối năm 2018, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hơn 242.400 con. Tỉ lệ lợn ngoại, lợn lai ngoại chiếm 80,76% tổng đàn lợn toàn tỉnh.
Phương thức chăn nuôi lợn đã chuyển biến một cách rõ rệt, các hình thức chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng phát triển. Các mô hình liên kết trong chăn nuôi như liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, liên kết giữa các hộ chăn nuôi thành lập các hợp tác xã chăn nuôi ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Đến năm 2018, t tỉnh có gần 30 trang trại chăn nuôi nuôi lợn. Trong đó, có 4 HTX chăn nuôi, 48 trang trại chăn nuôi gia công (liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi); chất lượng sản phẩm được nâng cao, có 2 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGap. Nhiều doanh nghiệp đã lập dự án đầu tư vào chăn nuôi. Các liên kết trong sản xuất chăn nuôi đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, tăng năng lực cạnh tranh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được số lượng sản phẩm lớn và chất lượng cho thị trường…
Mặc dù chăn nuôi lợn đã có những bước phát triển, tuy nhiên chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, còn mang tính nhỏ, lẻ và tận dụng.
Để phát triển đàn lợn một cách bền vững, hạn chế thiệt hại thấp nhất trước những dịch bệnh, theo ông Hà Sỹ Đồng: Trước hết người chăn nuôi cần phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, bán công nghiệp, công nghiệp, công nghệ cao gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phát triển và mở rộng chăn nuôi nhưng không nên tái đàn một cách ồ ạt, mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tái đàn phải đi đôi với việc áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Người chăn nuôi cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp điều chỉnh cơ cấu chất lượng đàn giống. Chọn lọc và sử dụng các giống lợn có năng suất cao, chất lượng thịt tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Rà soát, quy hoạch vùng chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung theo quy hoạch vùng chăn nuôi, khuyến cáo việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, theo quy chuẩn VietGap, chăn nuôi công nghệ cao. Có các chính sách về tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ con giống. Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, cần phải duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống; quản lí, kiểm tra chặt chẽ và có biện pháp xử lí đối với các trường hợp vi phạm về vật tư, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là chất cấm trong chăn nuôi, có như vậy mới góp phần hạn chế được các dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn.