Dịch bệnh động vật đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:16, 03/03/2019

(TN&MT) –  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, khẩn trương tập trung triển khai thực hiện các biện pháp, ngăn chặn dịch bệnh động vật có nguy cơ lây lan rộng trên địa bàn tỉnh.
Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng giết chết lợn bị nhiễm bệnh, siêu vi khuẩn này rất dễ lây và dai dẳng (Ảnh minh họa)
Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng giết chết lợn bị nhiễm bệnh, siêu vi khuẩn này rất dễ lây và dai dẳng (Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây, tình hình dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở lợn đã xảy ra ở một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, Quảng Ngãi đã có 08 xã của 04 huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Đức Phổ với tổng số lợn bị mắc bệnh lở mồm long móng là 823 con và 6.600 con gà bị mắc bệnh cúm gia cầm ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn. Nguy cơ lây lan các loại bệnh dịch động vật sẽ còn diễn biến rất phức tạp khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, tập trung tối đa các nguồn lực   xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới. Tổ chức xử lý, tiêu hủy những động vật, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng vôi, hóa chất… tại các chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao nhiễm bệnh; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ vật nuôi tại các xã đang có dịch bệnh.

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trực tiếp chỉ đạo chống dịch khẩn cấp. Cùng với đó, tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người dân biết về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cùng các biện pháp xử lý, mức hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết bắt buộc tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch lâu lan, để người dân chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh.

Đối với trường hợp đàn lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân, tiến hành khoanh vùng và tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bệnh. Chỉ đạo 2 trạm kiểm dịch Sa Huỳnh và Bình Sơn, tổ chức kiểm soát chặt chẽ, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, chết, phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh ngay và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, thành lập ngay các đoàn công tác do Chủ tịch UBND huyện phụ trách, trực tiếp đến các xã có dịch bệnh để chỉ đạo, xử lý dứt điểm các ổ dịch. Thường xuyên xuống các xã có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở; tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng bố trí nhân lực, vật tư, kinh phí để xử lý khi có dịch bệnh, không để lây lan sang diện rộng.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát công tác giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tổ chức công bố danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.