TP. Hưng Yên: Quyết liệt ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:19, 21/02/2019
Ngày 19/2, UBND thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) đã ban hành Quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hưng Yên. Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố công bố Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Trung Nghĩa. Ban chỉ đạo phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi thành phố Hưng Yên đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh và triển khai thành lập, đi vào hoạt động các chốt kiểm dịch động vật, kiểm soát ổ dịch trên địa bàn thành phố.
Để ngăn chặn, khống chế và dập tắt dịch bệnh, không để lây lan diện rộng và giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, UBND thành phố Hưng Yên đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, như sau: Tại vùng dịch, vùng bị uy hiếp, trong vòng 48 giờ, việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh, có triệu chứng lâm sàng của Dịch tả lợn Châu Phi, mà không nhất thiết phải chờ kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng. Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuống riêng biệt, tiêu hủy toàn bộ số lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ, nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại. Tiếp tục duy trì 24/24 giờ các chốt kiểm dịch động vật, kiểm soát ổ dịch của thành phố và xã Trung Nghĩa; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm lợn và thực hiện việc vệ sinh khử trùng, tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài.
Đối với UBND xã Trung Nghĩa, nghiêm cấm việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch, lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ dưới sự giám sát của cán bộ thú y và chính quyền địa phương, với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Tổ chức kiểm soát không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp. Tổ chức kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng dịch uy hiếp và vùng đệm tại cơ sở, điểm giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y, chính quyền địa phương. Công bố hết dịch theo quy định của Luật thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng, mà không có con vật nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới, hoặc lây lan sang nơi khác. Hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ – CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Tổ chức, triển khai công tác khử trùng tiêu độc, lấy mẫu: Đối với địa bàn xã Trung Nghĩa, thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2 – 3 tuần tiếp theo. Đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Đối với, các phường, xã vùng dịch uy hiếp (trong phạm vi 3km) xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong từ 2 – 3 tuần tiếp theo. Đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Đối với các phường, xã vùng đệm (trong phạm vi 10km) xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch. Đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
Yêu cầu UBND phường, xã ; lực lượng thú y và các tổ chức, cá nhân có liên quan của địa phương: Kiểm tra, giám sát chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện cách ly động vật ốm, mắc bệnh để theo dõi, phối hợp Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm.
Với giải pháp quyết liệt. đồng bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên mà chính quyền, ban, ngành, đoàn thể… TP. Hưng Yên thực hiện nhằm ngăn chặn, đẩy lùi Dịch tả lợn Châu Phi, chắc chắn dịch bệnh được khống chế, dập tắt.