Kẹt xe đô thị: Bài toán khó

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:34, 20/02/2019

(TN&MT) - Tình trạng kẹt xe trong nhiều năm nay ở TP.HCM gây ra nhiều hệ lụy đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được TP.HCM...
(TN&MT) - Tình trạng kẹt xe trong nhiều năm nay ở TP.HCM gây ra nhiều hệ lụy đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được TP.HCM đưa đưa ra, nhưng cho đến nay, kẹt xe vẫn là một bài toán khó đối với chính quyền và người dân TP.
xe1
Giải quyết vấn nạn kẹt xe là bài toán khó đối với TP.HCM

Ra đường là kẹt xe

Ở hướng phía Tây TP.HCM, dù là ngày nghỉ, nhưng đường Cộng Hòa ô tô vẫn xếp hàng dài, nhích từng chút một. Trong khi đó, xe máy mặc sức leo lề, nhưng cuối cùng đành chịu thua để phơi nắng, vì vỉa hè cũng kẹt. Tại cửa ngõ phía Đông TP, tình hình kẹt xe nghiêm trọng thường xảy ra trên xa lộ Hà Nội, các tuyến đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống bất kể giờ nào, chỉ cần lượng xe tải cùng lúc đổ dồn về các cảng. Nút giao Mỹ Thủy là một trong những công trình hạ tầng lớn nhất của khu Đông, được kỳ vọng sẽ giải quyết việc kẹt xe ở cảng Cát Lái.

Trong khi đó, ở cửa ngõ phía Nam, dù TP.HCM đã tăng cường mở rộng, nâng cấp nhiều cây cầu bắc qua các kênh, nhưng áp lực giao thông vẫn không giảm do nhiều tuyến đường nối qua cầu chưa được mở rộng tương xứng. Tại cửa ngõ phía Bắc, tình trạng kẹt xe vẫn diễn biến phức tạp. Là trục giao thông nối TP.HCM với thị xã Thuận An và TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) nhưng QL 13 vẫn nhỏ hẹp, luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày tuyến đường này tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt xe máy và xe khách từ QL 1A, Bình Dương... hướng về Bến xe miền Đông.

Gần đây nhất, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi dài ngày, hàng trăm ngàn người từ khắp các tỉnh, thành đã trở lại TP.HCM làm việc và học hành. Do người dân chọn thời điểm trở lại TP vào ngày chủ nhật khiến cho tình trạng giao thông, nhất là các tuyến đường cửa ngõ vào TP tê liệt. Hướng xa lộ Hà Nội vào cầu Sài Gòn, hay trên QL 1A qua quận Bình Tân, xe ô tô và xe gắn máy nhích từng chút một trong cái nắng gắt như đổ lửa, trẻ em khóc la trên xe máy vì ba mẹ đi chậm trên đường.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trên là do quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn TP quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến đường của TP là khoảng 4.205km, đạt mật độ 2km/km2, trong khi đó theo quy hoạch là 10 - 13,3km/km2. Diện tích đất dành cho giao thông khoảng 7.987ha (theo quy hoạch là 22.305ha). Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chủ yếu do lịch sử để lại, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, năng lực giao thông TP đã quá tải. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán họp chợ, số lượng phương tiện tham gia giao thông vào các giờ cao điểm quá đông, sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông đã khiến tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn.

xe2


Cần các giải pháp khả thi

Thống kê của Sở GTVT TP.HCM cho thấy, tính đến đầu năm 2019, TP đang quản lý khoảng 8 triệu xe máy và gần 800.000 ô tô, chưa tính khoảng một triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn. Mỗi ngày TP có thêm khoảng 1.000 ô tô và xe máy đăng ký mới. Cũng theo số liệu của Sở GTVT, trung bình TP có gần 100 xe máy trên 1.000 dân - tỷ lệ cao nhất thế giới. Con số này ở Hà Nội là gần 700, Băng Cốc (Thái Lan) 265, Jakarta (Indonesia) 160, New Deli (Ấn Độ) 175... Nghiên cứu của các chuyên gia giao thông cho thấy, xe máy là thủ phạm gây kẹt, TNGT và tiêu tốn nhiên liệu.

TS. Phạm Sanh, Chuyên gia giao thông phân tích, ở TP.HCM hiện có khoảng 80 - 90% người dân đi lại bằng xe máy. Khi phương tiện giao thông cộng cộng ở TP chưa đủ, nếu cấm xe máy thì người dân sẽ không biết đi lại bằng phương tiện gì. Thêm nữa, nếu cấm xe máy thì người có điều kiện sẽ mua ô tô, từ đó sẽ dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này sang một rối loạn khác. Như vậy, ngành chức năng cần nên xem lại là cấm xe máy hay hạn chế sẽ phù hợp thực tế, vì nhu cầu đi lại làm việc, học hành của người dân bằng phương tiện xe máy vẫn còn rất lớn. Muốn người dân bỏ xe máy thì TP phải đầu tư hệ thống xe buýt, giao thông công cộng thật tốt. Bên cạnh đó, TP cần khảo sát nhu cầu đi lại và kết hợp với quy hoạch đô thị, giao thông thì mới giảm được nạn kẹt xe.

Ở một góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM ngày một trầm trọng thêm là do sai lầm về quy hoạch. Những năm qua, việc phát triển các khu đô thị ở TP, người ta chỉ xây dựng chung cư, chú trọng phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại mà không dành diện tích đất nhất định để hình thành các dịch vụ hạ tầng, xã hội như khu làm việc, bệnh viện, trường học. Sau một ngày làm việc, đều đặn người dân chỉ về nhà ngủ, còn thì dồn ứ về trung tâm TP. Con cái đi học một nơi, phụ huynh đi làm một nơi thì tất yếu xảy ra kẹt xe. Phía ngoại ô TP, nếu có được hệ thống đường vành đai khép kín, hệ thống đường sắt hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, hạn chế container di chuyển thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm đi nhiều.

Triển khai Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020, trong năm nay, TP làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu, mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị, tăng khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2020, 81km đường bộ và 18 cây cầu sẽ được làm mới và đưa vào sử dụng, đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị và mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km2. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị lúc này sẽ đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị. Như vậy, theo kế hoạch mới đặt ra, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm gần 190km đường bộ và 46 cây cầu.

Song song với việc mở thêm cầu, đường; TP.HCM cũng yêu cầu tập trung nguồn lực từ ngân sách để đầu tư đổi mới xe buýt phù hợp với đặc tính đô thị TP và thân thiện môi trường. Theo đó, ngành GTVT sẽ mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh; tổ chức các tuyến buýt kết nối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất đến các tỉnh lân cận. Đặc biệt, TP sẽ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; phát triển các bến bãi trung chuyển xe buýt gần các khu vực giao cắt giữa đường trục chính với tuyến vành đai 2 nhằm hạn chế phương tiện giao thông vào TP.