Bình Định: Dừa thư pháp lên ngôi du Xuân đón Tết
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:14, 31/01/2019
Người dân Bình Định, nhất là người Hoài Nhơn ai cũng thuộc lòng câu ca dao: “Công đâu công uổng công thừa. Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan” Cuộc sống của người dân gắn liền với những vườn dừa, bởi cây dừa là cây kinh tế truyền thống và mũi nhọn cho mọi gia đình ở đây.
Từ cây dừa đã tạo ra công ăn việc làm, nuôi sống con người qua nhiều thế hệ. Các món ăn được chế biến từ dừa, những đồ gia dụng, ngư cụ, nông cụ cũng được chế biến từ cây dừa, chẳng những tiêu thụ tại địa phương mà còn làm thành sản phẩm hàng hóa chở đi bán các tỉnh miền Trung và miền Nam. Thứ liệu của dừa cũng được tận dụng làm chất đốt để nấu nướng và sưởi ấm cho các cụ già vào mùa đông giá rét.
Thiên nhiên từ lâu đã ưu đãi con người miền Trung nắng gió. Nếu Quảng Ngãi có rừng mía, Phú Yên có rừng bông thì Bình Định có rừng dừa bạt ngàn. Dừa trở thành sản phẩm đặc trưng của người Hoài Nhơn nói riêng và người Bình Định nói chung.
Từ hai năm nay vào mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều nghệ nhân thư pháp dùng dừa để vẽ trang trí, viết chữ thư pháp trên dừa theo yêu cầu khách hàng hoặc bán ra thị trường Tết khá bắt mắt. Vì có ưu điểm chơi được thời gian lâu hơn so với các loại trái cây khác như dưa hấu, đu đủ, bưởi mà dừa luôn chiếm ưu thế, lên ngôi dùng vẽ, viết nghệ thuật thư pháp vào dịp Tết.
Chúng tôi đến tham quan cơ sở nhỏ của một nghệ nhân trẻ viết, vẽ thư pháp trên dừa nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Thanh Niên, thành phố Quy Nhơn. Tuy là một căn nhà nhỏ nhưng lại được trang trí đẹp mắt bởi những bức tranh thư pháp và hàng chục trái dừa thư pháp với các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An, Hiếu hoặc tên gia chủ đặt viết theo yêu cầu của khách hàng trưng bày làm say đắm lòng người, bởi nét bút tài hoa, tinh tế, sắc sảo của người nghệ nhân.
Những trái dừa to tròn, căng mộng được phủ lớp sơn màu vàng nhủ sáng, bóng bẩy, láng mịn che đi lớp sần sùi bên trong của trái dừa ban đầu. Sau khi sơn lớp sơn phủ vàng, người nghệ nhân bắt đầu viết chữ thư pháp, dùng hạt kim tuyến óng ánh sắc đỏ hoặc vàng phủ lên lớp sơn chữ mới vừa viết xong. Chờ lớp sơn khô, nghệ nhân tiếp tục vẽ trang trí hoa mai, hoa đào, cây bách, cây tùng, cây trúc xung quanh trái dừa với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng gam màu chủ đạo vẫn là xanh lá cây, hồng đào, mai vàng để tạo nên sản phẩm tuyệt tác của nghệ thuật thư pháp.
Nghệ nhân Nguyễn Hồ Vũ Hồng Hà chia sẻ: Trước đây tôi chỉ viết chữ, vẽ thư pháp trên áo dài, chai, lọ, nhưng từ Tết Nguyên đán năm ngoái tôi bắt đầu chuyển sang viết, vẽ thư pháp trên trái cây. Năm ngoái, tôi viết chữ thư pháp trên dưa nhưng dưa không giữ được lâu nên tôi chuyển sang viết thư pháp trên dừa. Tôi sinh ra tại quê hương Hoài Nhơn, tôi chọn những trái dừa tròn trịa không quá sần rồi thuê xe chở dừa về nhà. Khách hàng ai đặt thì làm, mỗi mùa Tết làm cho hơn 100 khách với giá 200 ngàn/trái. Một sản phẩm thư pháp trên dừa mất khoảng 20 phút là xong. Thời gian viết thư pháp trên dừa không nhiều nhưng công phu và phải chờ đợi lớp sơn khô trong từng công đoạn.
Dừa thư pháp đang được bày bán tại khu vực trung tâm bán hoa Tết đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn. Mặc dù nằm xen lẫn trong vườn hoa xuân khoe sắc nhưng sản phẩm dừa thư pháp vẫn không bị chìm khuất. Tác phẩm nghệ thuật này thu hút khá đông khách hàng đến tham quan thưởng lãm, đáng đồng tiền mua về làm quà biếu hoặc trưng bày trong nhà dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Hoài Hương - người bán dừa thư pháp cho biết: Họ mua dừa thư pháp như rước tài, lộc về nhà, vì thế khách hàng đến mua rất đông. Sản phẩm tô điểm làm sáng trưng bàn thờ gia chủ, khách hàng rất ưa thích. Tôi mới trưng ra sáng nay nhưng đã bán được 30 cặp dừa thư pháp với giá 250 ngàn đồng/cặp. Năm ngoài bán được 50 cặp dưa điêu khắc nhưng dưa nhanh hư bị thua lỗ, khách hàng không ưa chuộng nữa, chuyển sang bán dừa thư pháp được khách hàng đón nhận nhiều hơn.