Sơn La biểu dương 955 hộ gia đình, HTX, DN tiêu biểu lĩnh vực nông nghiệp
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:46, 23/01/2019
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015 đã áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt (tiết kiệm nước) của Israel kết hợp với bón phân hòa tan (tiết kiệm phân bón). Trong 2 năm 2017-2018 đã hỗ trợ ghép cải tạo vườn tạp hoặc trồng mới cây ăn quả chất lượng cao cho hơn 78.000 hộ gia đình, với trên 4,1 triệu cây để các hộ gia đình nhận thấy từ hiệu quả thực tế, tự đầu tư mở rộng.
Đến hết năm 2018, tỉnh Sơn La có trên 57.000ha cây ăn quả, có nhiều diện tích cho thu nhập từ 360-600 triệu/ha. Trong 3 năm 2016-2018, đã trồng mới trên 38.000ha cây ăn quả trên đất dốc, bằng 6,2% diện tích rừng hiện có của tỉnh, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Năm 2018, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 115 triệu USD, tăng 1,69 lần so với năm 2017; xuất khẩu 17.522 tấn quả các loại sang thị trường 12 nước; trong đó, xuất khẩu chính ngạch 1.257 tấn, tăng 11,12 lần so với năm 2017. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đường, điện, nước để thu hút các tập đoàn kinh tế đầu tư nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó, 3 nhà máy đã đi vào sản xuất năm 2018 và sẽ có 7 nhà máy đi vào sản xuất năm 2019.
Trên cơ sở đó, năm 2018, tỉnh Sơn La đã xem xét, tổ chức biểu dương với tất cả các DN, HTX có thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng/ha; hộ gia đình có thu nhập trong trồng trọt từ 300 triệu đồng/ha/năm trở lên; hộ chăn nuôi từ 300 triệu đồng/năm trở lên; hộ nuôi thủy sản từ 2 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên… Qua đó, toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã và 854 hộ gia đình được biểu dương.
Là 1 trong 87 HTX được biểu dương, ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã phấn khởi chia sẻ: HTX chúng tôi thành lập đầu năm 2015 với 8 thành viên, tới nay đã phát triển lên 15 thành viên. Năm 2018, là một năm khó khăn cho việc tiêu thụ nhãn, vì sản lượng nhãn của toàn huyện Sông Mã rất lớn, khoảng trên 40.000 tấn. Song, HTX đã thu hoạch trên 200 tấn nhãn, giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, thu nhập đạt 2,8 tỷ đồng. HTX đã xuất khẩu được 9 tấn nhãn quả tươi sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Thị trường trong nước, sản phẩm nhãn của HTX đã có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
“Có được kết quả trên, bởi ngay từ khi mới thành lập, HTX đã mạnh dạn đầu tư áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGap cho 25ha nhãn, xoài, để sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao. Sử dụng túi bao chuyên dụng bao trái xoài nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập, phá hoại của các loại côn trùng gây ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã các loại quả, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Áp dụng công nghệ bón phân hữu cơ nhằm bảo vệ đất và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.“ – ông Dương Tự Thanh cho biết.
Còn với ông Bùi Văn Lộc, HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, nhận thức cây na là cây chủ lực, HTX đã tập trung phát triển 30ha na, hiện 20ha đã cho thu hoạch, sản lượng 240 tấn. Thu nhập của HTX năm 2018 bình quân khoảng 350 triệu đồng/ha. Tất cả các sản phẩm của HTX được bao trái toàn bộ để có mẫu mã và chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng. Năm 2019, HTX sẽ áp dụng công nghệ tưới ẩm tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel vào trồng na, xây dựng sản phẩm na sạch đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng Vietgap, giữ vững thương hiệu, quảng bá đặc sản na Mai Sơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, số hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu lĩnh vực nông nghiệp còn ít, mới có 854 hộ/217.990 hộ sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh, đạt 0,4%. Quy mô sản xuất còn nhỏ, bình quân mỗi hộ có 1,79ha đất, sản lượng nông sản của các hộ sản xuất ra còn thấp. Số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ít, quy mô nhỏ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX phát triển còn hạn chế… Thị trường tiêu thụ và giá cả một số nông sản chưa thực sự ổn định. Thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản của tỉnh chưa nhiều…
Năm 2019, dự kiến diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt khoảng 71.000ha, sản lượng các loại quả trên 400.000 tấn, tăng 1,6 lần so với năm 2018. Tỉnh Sơn La đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nông nghiệp, theo đó, tiếp tục rà soát các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế phát triển của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất tập trung ở các huyện có quy mô đủ lớn.
Nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ. Xem xét ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết về cơ chế thúc đẩy tạo quỹ đất để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục bố trí khoảng 4 tỷ đồng vốn sự nghiệp khoa học để hỗ trợ xây dựng 6 thương hiệu sản phẩm, xây dựng tem nhãn nhận diện sản phẩm cho 40 cơ sở, cấp chứng nhận Vietgap cho 34 cơ sở.
Đặc biệt, tiếp tục đánh giá và thực hiện chủ trương đặt hàng nghiên cứu 18 đề tài, kinh phí hơn 6 tỷ đồng, tập trung cho phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, trước hết là chuyển chất thải gây ô nhiễm môi trường thành phân bón hữu cơ, bằng công nghệ vi sinh.