Kinh hoàng thịt trâu sấy làm từ… lợn chết, lợn bệnh
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:16, 15/01/2019
Đường đi của thịt lợn chết
Những ngày đầu tháng 12 năm 2018, nhóm PV trở lại nhà ông Phạm Văn Luận ở xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Luận là một đồ tể tai tiếng bởi đã nhiều lần bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vì hành vi giết mổ thịt lợn chết đem bán ra thị trường trái pháp luật.
7h23 phút ngày 28/12, những chiếc xe lôi chở lợn chết vì bệnh, được che giấu dưới lớp bạt đen tìm đến nhà ông Luận. Vợ chồng ông nhanh chóng đưa những xác lợn bệnh xuống khu mổ bên trong cánh cửa sắt.
Lợn chết đủ mọi kích cỡ, trọng lượng. Chúng có làn da thâm đen, thậm chí một số con còn có dấu hiệu hoại tử. Phía sau khe cửa, gã “đồ tể” cùng những lao động khác sử dụng kỹ nghệ mổ lợn thuần thục để phanh xác, lọc phần thịt, xương và nội tạng để mang đi bán. Chỉ có phần da được đem đi đổ bỏ. Các bộ phận khác vẫn được tận thu.
Phần thịt, phần mỡ, nội tạng của lợn được vợ ông Luận cùng con gái chở ra chợ để bán. Phần thịt nạc thăn được chất đầy lên xe của gia đình và chở đến một cơ sở chế biến thịt sấy nằm giữa cánh đồng ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường giao hàng.
Tại cơ sở chế biến thịt sấy này, hàng chục người đang lọc bỏ những phần mỡ trên tảng thịt để tiến hành tẩm ướp rồi cho vào lò nướng… Phần mỡ cũng được tận dụng làm món lạp xường mà nhiều người ưa thích.
Chủ cơ sở cho biết ở đây có những sản phẩm chính là thịt ba chỉ sấy, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy. Thịt lợn sấy chỉ 250.000 đồng/kg, thịt trâu sấy chỉ 600.000 đồng/kg.
Vì đã được tẩm ướp, ngâm sấy và không có nhãn mác, nên người tiêu dùng khó mà phân biệt đâu là thịt trâu sấy, đâu là thịt lợn sấy. Chủ cơ sở cho biết mỗi ngày cơ sở này sản xuất hàng tạ thịt sấy để gửi đi các tỉnh, thành. Trong đó, rất nhiều hộp thịt sấy đã lên đường về Hà Nội thông qua hình thức rao bán trên mạng xã hội facebook.
Sáng ngày 10/1/2019 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc do Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì phối hợp với UBND huyện Vĩnh Tường; Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Vĩnh Tường; Phòng Cảnh sát môi trường - Công An tỉnh Vĩnh Phúc, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng đại điện chính quyền UBND xã Nghĩa Hưng, xã Đại Đồng tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ Đặng Văn Luận.
Tại thời điểm kiểm tra, có 4 con lợn đã chết trước khi giết mổ gồm: 1 con 100kg đã mổ phanh, 1 con 25kg đã mổ phanh, 1 con 61kg nguyên con, 1 con 35kg nguyên con, tổng 321kg. Số lợn trên đã chết trước khi giết mổ, da tím bầm, bốc mùi hôi khó chịu, không đảm bảo trong việc sử dụng làm thực phẩm, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cô con gái của đối tượng Phạm Văn Luận nói rằng: “Nhà cháu chỉ mổ ra cho cá ăn”. Còn vợ của đối tượng chống chế: “Mổ chỉ thấy con nào ngon thì bán thôi còn đâu là mổ cho cá”.
Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: “Anh Luận mổ lợn chuyên nghiệp, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát… Chúng tôi đã xử phạt nhiều lần”. Cụ thể trong 3 năm 2016, 2017, 2018, đối tượng này đều đã bị phát hiện thực hiện hành vi trái pháp luật nêu trên, và đã có cam kết không thực hiện hành vi này nữa. Có thể nói, đây là một trong những trường hợp nhờn pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau một hồi đấu tranh với những chứng cứ nhưng đối tượng Phạm Văn Luận chỉ khai nhận có đi xin hoặc đi mua những con lợn chết với giá từ 50 đến 100 nghìn đồng về mổ cho cá ăn.
Lúc này, một thành viên trong nhóm PV buộc phải đưa ra những đoạn băng video ghi lại hành trình đưa lợn chết vào cơ sở giết mổ của ông Luận, sau đó đích thân ông Luận chở thịt lợn chết giao cho các cơ sở chế biến thịt sấy. Khi đó, ông Luận mới thừa nhận hành vi giết mổ lợn chết, bán cho các chợ dân sinh.
Sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy số lợn chết của gia đình đối tượng Phạm Văn Luận. Vụ việc tiếp tục được giao cho các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Tường tiến hành điều tra và kết luận theo quy định pháp luật.
Bắt quả tang cơ sở chế biến thịt lợn chết
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến thịt lợn sấy. Tại thời điểm kiểm tra, hơn chục nhân viên tại cơ sở đang miệt mài sản xuất, chế biến thịt sấy khô, lạp xường được làm từ thịt lợn với các khối lượng như sau: 532kg thịt lợn đã được sơ chế ướp tẩm gia vị, 177 kg lạp xường và 86kg thịt lọc từ gân, mỡ để chế biến lạp xường.
Chủ cơ sở khai nhận, xưởng chế biến thịt sấy mới đi vào hoạt động, chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, và nguồn nguyên liệu thì mua ở ngoài chợ, đồng thời có mua thịt lợn của tối tượng Phạm Văn Luận ở xã Nghĩa Hưng để tiến hành sản xuất. “Ai đến bán thì mua chứ cũng không cần biết nguồn gốc như thế nào”, bà Nguyễn thị Hoa - đại diện chủ cơ sở chế biến thịt sấy nói xanh rờn.
Đại diện UBND xã Đại Đồng hết sức bất ngờ trước thông tin trên. Bởi đây là xưởng chế biến thực phẩm mọc lên trên đất nông nghiệp và không được sự cho phép của bất cứ cơ quan chức năng nào.
Cũng theo chủ cơ sơ, mỗi ngày cơ sở này sản xuất hơn 1 tạ sản phẩm thịt sấy, bao gồm trâu sấy, thịt lợn sấy, ba chỉ sấy và lạp sườn, bán ra nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước, chủ yếu là bán qua mạng xã hội facebook.