Công nhân Đà thành bấp bênh chạy… Tết

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:49, 14/01/2019

(TN&MT) - Thấp thỏm lật từng trang lịch, đếm ngược thời gian từng ngày đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 để về quê - đó là nỗi niềm đau đáu của nhiều công nhân tứ xứ đang bươn chải kiếm sống ở đất Đà thành. Với họ, niềm háo hức sắm sang đón Tết như người thị thành còn xa vời lắm, khi mà nỗi lo canh cánh tiền tàu xe, quà cáp về quê vẫn nặng trĩu trên đôi vai…
Xuân về, niềm vui lại rộn ràng với bao người thân thuộc… nhưng với những công nhân đang sống ở Đà thành - họ vẫn canh cánh nỗi lo tiền tàu xe, quà cáp để về quê…
Xuân về, niềm vui lại rộn ràng với bao người thân thuộc… nhưng với những công nhân đang sống ở Đà thành - họ vẫn canh cánh nỗi lo tiền tàu xe, quà cáp để về quê…

Nỗi niềm công nhân

Ba nữ công nhân cùng thuê căn phòng trọ rộng chừng 8m2, mái lợp tôn, trần nhựa. Trong phòng vừa đủ đặt chiếc gường mét tư, cái bàn nhỏ và ít xoong nồi, bát đĩa. Chị Phan Thị Mai (26 tuổi, quê ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam) kể, trước đây chị làm công nhân ở Sài Gòn, lương cũng tạm đủ sống, nhưng xa quá, mẹ em đã già, lại bị thương hồi chiến tranh, nay trở trời là đau nhức, chị gái lấy chồng xa, nên chị về Đà Nẵng kiếm việc làm, thỉnh thoảng về thăm mẹ cũng không tốn gì mấy.

Với mức lương xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng, Mai cùng hai người bạn thuê chung phòng trọ giá 600 nghìn đồng/tháng cho đỡ tốn, cộng tiền điện, tiền nước vào là 800 nghìn. Căn phòng nhỏ nằm cuối dãy nhà trong hẻm nhỏ trên đường Chế Lan Viên, quận Ngũ Hành Sơn, mỗi lần xe máy vào ra là một người phải dừng lại, nghiêng cả người lẫn xe sát tường thì xe ngược chiều mới qua được. Mai phân trần, chúng em đi làm cả ngày, tối về chủ yếu là ngủ thôi, thuê ở chung thế này còn tiết kiệm được chút ít, dành tiền lâu lâu về nhà cho mẹ mua sắm, thuốc thang.

Mấy năm trước, dù thường xuyên phải làm tăng ca, tăng giờ, cực nhọc, vất vả, nhưng thu nhập khá hơn, có tháng được 4 đến 5 triệu. Hồi đầu năm tới giờ nghe lãnh đạo công ty bảo đơn hàng ít, giá bán lại không cao nên hầu như không có tăng ca, tăng giờ, thu nhập giảm hẳn. Nhiều người tính bỏ việc, lên KCN Hòa Khánh hay Hòa Cầm kiếm việc khác, nhưng đi đâu cũng thấy khó xin, nên đành cố bám nuôi thân.

Phòng trọ nhỏ của chị Trần Minh Vy (29 tuổi, công nhân tại một công ty TNHH ở KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang) rộn ràng hơn hẳn nhờ có “người bạn” mới - chiếc máy vi tính để bàn. Hơn nửa năm qua, vì không có lịch tăng ca nên tối tối chị Vy chỉ quanh quẩn xem tivi hoặc sang chơi phòng trọ hàng xóm. Nay mới sắm được chiếc máy vi tính, chị Vy lần mò tập online (trò chuyện qua mạng Internet -  PV), nghe giọng nói bi bô và thấy mặt hai đứa con thơ đang sống xa vợ chồng chị mấy trăm cây số. “Một năm rồi mới thấy mặt con, vợ chồng tôi mừng mừng tủi tủi. Phải tận tết chúng tôi mới về Lào Cai, nhưng giờ thi thoảng được nhìn con - dù chỉ qua máy vi tính - tôi cũng nguôi ngoai phần nào...”- bỏ lửng câu nói, chị Vy quay đi lau vội nước mắt.

Thấp thỏm lật từng trang lịch, đếm ngược thời gian từng ngày đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 để về quê - đó là nỗi niềm đau đáu của nhiều công nhân tứ xứ đang bươn chải kiếm sống ở đất Đà thành
Thấp thỏm lật từng trang lịch, đếm ngược thời gian từng ngày đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 để về quê - đó là nỗi niềm đau đáu của nhiều công nhân tứ xứ đang bươn chải kiếm sống ở đất Đà thành

Tổng thu nhập hằng tháng của chị Vy và chồng là anh Minh (31 tuổi) chừng 8 đến 9 triệu đồng, lo đủ các khoản tiền nhà, điện nước, ăn uống, sinh hoạt... và gửi tiền cho ông bà ngoại nuôi cháu mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Dè sẻn chi tiêu cả năm trời, họ mới dôi ra được gần chục triệu đồng. Chừng hơn nửa tháng nữa là đến Tết rồi, chị Vy cho hay sẽ dùng toàn bộ tiền thưởng Tết và nửa tháng lương gửi về quê cho ông bà nội ngoại sắm đồ, còn vợ chồng chị cố gắng ăn xài tiết kiệm hơn ngày thường.

Rải những bước chân vội vàng trên phố, chị Nguyễn Thị Ái, công nhân tại KCN An Đồn Đà Nẵng lúi húi lựa bộ đồ cho cậu con trai nhỏ ở chợ nhóm gần KCN sau giờ tan ca. Bộ đồ chợ có giá 15.000 đồng nhưng chị cứ nâng lên đặt xuống mãi. Đắn đo hồi lâu, rốt cuộc chị chỉ mua đúng một bộ. Chồng không lo làm ăn lại bài bạc, chị Ái một mình ôm con từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng kiếm sống. Cậu con trai mới hơn 2 tuổi lại thường xuyên ốm đau khiến chị thường nghỉ làm để trông nom. Thu nhập của chị có tháng không đến 3 triệu đồng, trong đó tiền gửi con, nuôi con đã chiếm gần hết.

Nhắc đến Tết, mặt chị Ái buồn xo. “Chắc tui không về quê đâu. Về là đủ khoản phải lo, nào tiền tàu xe, quà cáp...”- chị mím môi. Còn anh Cao Văn Tèo, công nhân một Công ty TNHH ở KCN Liên Chiểu, cho biết chỉ dùng tiền thưởng tết mua vài bộ quần áo mới cho con và ít bánh trái đón khách thôi. “Năm nay kiếm tiền chật vật quá, cuối năm cũng chẳng dư dả nhiều nên đành đón tết tiết kiệm”- anh Tèo bày tỏ.

Cũng như bao cặp vợ chồng khác, hàng ngàn công nhân từ nhiều miền quê đổ về Đà thành làm ăn, mỗi người mỗi cảnh nhưng họ đều có chung sự lo lắng và niềm mong mỏi về quê đón Tết an vui...

Với họ, niềm háo hức sắm sang đón Tết như người thị thành còn xa vời lắm, khi mà nỗi lo canh cánh tiền tàu xe, quà cáp về quê vẫn nặng trĩu trên đôi vai…
Với họ, niềm háo hức sắm sang đón Tết như người thị thành còn xa vời lắm, khi mà nỗi lo canh cánh tiền tàu xe, quà cáp về quê vẫn nặng trĩu trên đôi vai…

Phận… bấp bênh

Lương thấp, các khoản thưởng cũng giảm, ít tăng ca, tăng giờ, rảnh rang hơn nhưng thu nhập lại giảm đi trông thấy... là chuyện lo lắng từng ngày của hầu hết công nhân ở Đà Nẵng. Anh Nguyễn Văn Lâm, quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, anh vào Đà Nẵng làm cũng gần chục năm, trước là thợ điện Công ty vật liệu xây dựng ở KCN Hòa Khánh, năm 2010 anh xin làm ở nhà máy sản xuất tấm lợp xi măng tại Đại Hiệp, Quảng Nam với thu nhập gần 5 triệu/tháng. Từ giữa năm 2011 trở đi, sản xuất đình trệ dần vì hàng tồn kho nhiều.

Ra Đà Nẵng tìm việc làm ở mấy nhà máy trong KCN Hòa Khánh, nhưng đi đâu cũng nhận cái lắc đầu, hoặc hẹn khi nào có thì gọi điện. Hoặc có nơi nhận vào làm nhưng với điều kiện khi nào hết việc thì nghỉ, không được đòi hỏi, thắc mắc... mà thu nhập chỉ hơn 2 triệu. Anh dự tính trở về quê cùng gia đình chăm sóc, khai thác mấy ha cao su, hy vọng có thu nhập cao và ổn định hơn.

Chị Đinh Thị Mai, quê Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, hiện là công nhân công ty sản xuất giấy Tân Minh cho biết thêm, khá nhiều doanh nghiệp ở Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm hay An Đồn thông báo tuyển dụng công nhân với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế để đạt mức lương ấy phải làm tăng ca, phải đạt điểm chuyên cần và năng suất lao động phải rất cao, một tổ 30-40 người thì chỉ có vài người có mức lương đó.

Chính vì thế, cho dù ngân hàng có hạ lãi suất thì hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn e dè, vì hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, lãi suất thì tăng giảm thất thường, rủi ro khi vay vốn, khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh là quá lớn. Mà khi doanh nghiệp gặp khó, đương nhiên hàng chục ngàn công nhân thất nghiệp, hoặc phải nghỉ chờ việc với tiền trợ cấp ít ỏi, khó khăn lại càng thêm khó.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2019 này, Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ 400 vé xe cho sinh viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; giao lưu, thăm, tặng quà cho thanh thiếu niên tại Trường giáo dưỡng Tân Hòa và thanh niên tại cơ sở xã hội Bàu Bàng; tổ chức Ngày hội "Bánh chưng xanh", tặng 3.000 chiếc bánh chưng cho công nhân lao động, người nghèo, thanh niên khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 

Xuân về, niềm vui lại rộn ràng với bao người thân thuộc… nhưng với những công nhân đang sống ở Đà thành - họ vẫn canh cánh nỗi lo tiền tàu xe, quà cáp để về quê…