Bà Rịa - Vũng Tàu: Chính thức triển khai Dự án Bữa ăn học đường

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:23, 10/01/2019

(TN&MT) - Ngày 04/01, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” dành cho 65 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú và dự kiến tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn địa bàn tỉnh.
aji1
Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, thực đơn bán trú cho các em học sinh tiểu học sẽ được chuẩn bị thông qua Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng - một nội dung quan trọng thuộc Dự án “Bữa ăn học đường”.

Hội nghị được Tiến sĩ Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo, cùng sự tham gia của lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam, lãnh đạo và chuyên viên các Phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu và cán bộ phụ trách công tác bán trú cùng đại diện Hội Phụ huynh học sinh các trường tiểu học bán trú trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam hiện vẫn đang gánh đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong khi số lượng trẻ em thừa cân, béo phì tại khu vực thành thị và các thành phố ngày một phổ biến. Hầu hết các em đều thiếu vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường tiểu học hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Cán bộ bán trú chưa qua đào tạo chuyên môn về dinh dưỡng, chủ yếu xây dựng thực đơn dựa vào kinh nghiệm.

Aji2
Thầy và trò Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Tân Phú, TP.HCM) cùng học kiến thức dinh dưỡng thông qua bộ áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức”

Trước những khó khăn này, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã khởi xướng và phát triển Dự án “Bữa ăn học đường” từ năm 2012. Dự án nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế cũng như từ Bộ GD&ĐT trong công tác triển khai áp dụng đến các trường. Mục tiêu của Dự án là “Thực hiện trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học”.

Được biết, tính đến tháng 11 năm 2018, Dự án “Bữa ăn học đường” đã được triển khai đến 46 tỉnh, thành với 2.997 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc thông qua áp dụng “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” trong công tác chuẩn bị thực đơn cho các em học sinh.

Với nhiều tính năng nổi bật, phần mềm là công cụ đắc lực cho các nhà trường trong công tác bán trú: cung cấp cho nhà trường một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng, được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giúp nhà trường tự tạo ra nhiều thực đơn mới cân bằng về dinh dưỡng bằng cách kết hợp 360 món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc tự tạo các thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ các nguyên liệu có sẵn ở địa phương; giúp tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh hiệu quả.

aj3
Học sinh Trường Tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM) thưởng thức bữa trưa được chuẩn bị theo Phần mềm

Phần mềm được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên website của Dự án: www.buaanhocduong.com.vn. Mỗi trường tiểu học bán trú đăng kí một tài khoản để sử dụng đầy đủ các chức năng của phần mềm. Dự án “Bữa ăn học đường” còn được triển khai đến tất cả các trường với Áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức”. Với những hình ảnh minh họa trực quan, sinh động, bộ áp phích giúp các nhà trường giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho các em học sinh, từ đó hình thành thói quen ăn đa dạng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Một nội dung quan trọng khác của Dự án đó là “Bếp ăn mẫu bán trú”. Bếp ăn được xây dựng theo tiêu chuẩn một chiều, trang bị hiện đại, hợp lí giúp tiết kiệm nhân công, thời gian và quan trọng hơn hết là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến. Đến nay, Dự án đã xây dựng thành công 2 “Bếp ăn mẫu bán trú”, với bếp ăn đầu tiên tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (TP.HCM) và bếp ăn thứ 2 tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn), tạo điều kiện cho các trường trên cả nước đến tham quan, học tập và áp dụng phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Với những phản hồi tích cực từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh, Công ty Ajinomoto Việt Nam đang nỗ lực nhân rộng Dự án “Bữa ăn học đường” ra quy mô toàn quốc để trong tương lai không xa, vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng học đường, không còn là gánh nặng cho quốc gia.