Hậu Giang: Miền quê khởi sắc!

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:50, 08/01/2019

(TN&MT) - Vào một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về một số xã vùng sâu, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều đọng lại trong chúng tôi là nơi đây có nhiều đổi thay từ những cung đường khang trang, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho đến những ngôi nhà tường san sát... báo hiệu khởi sắc miền quê. 
Giang1
Từ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, nhiều tuyến đường đã được đầu tư xây dựng kiên cố

Vận dụng hiệu quả chính sách

Để có được điều này là nhờ vào các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, dạy nghề vay vốn sản xuất của Chính phủ cũng như các chương trình đầu tư hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới được tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện trong thời gian qua. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không ngừng được nâng lên.

Những năm trước đây, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy còn tương đối cao, thì trong thời gian gần đây, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới mà số hộ nghèo ở xã này đã giảm, hộ khá, giàu tăng lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Sử Luận cho biết, những năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được xã quan tâm thực hiện. Theo đó, ngoài tranh thủ tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất, xã còn vận động bà con nhân rộng một số mô hình làm ăn hiệu quả phù hợp với địa phương.

Mặt khác, xã Vị Thủy đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương; tổ chức tham quan một số mô hình hay, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, thoát nghèo trong và ngoài địa bàn xã như: mô hình nuôi ba ba, trồng nấm rơm, hoa màu…

Trước đây, do nhiều năm làm ăn thua lỗ, gia đình ông Danh Hưởng, ở ấp 6, xã Vị Thủy phải cầm cố 5 công đất ruộng để có tiền trả nợ. Vào năm 2013, nhờ thụ hưởng chương trình chuộc đất sản xuất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ mà gia đình ông Hưởng được hỗ trợ 30 triệu đồng để chuộc lại được 1 công đất.

Có đất sản xuất, gia đình ông Hưởng chí thú làm ăn, chắt chiu trong chi tiêu hàng ngày, đến nay ông không chỉ có tiền để chuộc 4 công đất còn lại, mà còn có tiền để xây lại ngôi nhà mới khang trang trị giá gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tích cực giúp các hộ dân khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và cùng tham gia vào các hoạt động vệ bảo vệ môi trường xóm làng xanh - sạch - đẹp.

giang2
Từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, đã làm cho diện mạo nông thôn ở Hậu Giang khởi sắc

Ưu tiên đầu tư phát triển

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Sử Luận, từ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời đã giúp cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc không ngừng nâng lên. Nếu như năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên 20% thì hiện nay giảm còn 13%. Hầu hết hộ Khmer trong xã đều được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.

Tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, nhiều năm qua nhờ thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ mà cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm ở đây được xây dựng khang trang, thông thoáng, giao thương thuận lợi. Chỉ tay về tuyến đường ấp 5, bà Nguyễn Thị Năm, người dân ở đây, bộc bạch: “Từ khi tuyến đường được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa vận chuyển thông thương, đời sống của bà con ở đây không ngừng được cải thiện, nhiều hộ đồng bào Khmer nơi đây xây được nhà tường, nhà lầu rất khang trang".

Chủ tịch UBND xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) Phạm Hoàng Khâm cho biết, từ năm 2010 đến nay, xã Xà Phiên đã xây dựng được trên 11.000m đường với kinh phí trên 05 tỉ đồng. Từ đó bộ mặt giao thông nông thôn của xã trở nên khang trang, đồng bộ, giúp bà con nơi đây đi lại thuận tiện, việc kinh danh, mua bán cũng phát triển hơn trước.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, đời sống đồng bào dân tộc trong tỉnh thời gian qua đã có bước tiến dài, đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách được vận dụng để chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2018, tỉnh Hậu Giang được Trung ương phân bổ trên 15,4 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả những hoạt động thường niên như: tổ chức đi thăm, chúc tết các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Cần Thơ, TP.HCM; phối hợp với ngành chức năng cấp gần 61.100 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang Trần Quốc Thẻo cho hay, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục rà soát những ấp, khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thuộc vùng khó khăn để ưu tiên đầu tư phát triển. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo...