Bình Định: Chủ động xử lý thịt heo bẩn “tuồn” vào thị trường
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:35, 16/12/2018
Thịt bẩn “nhạy cảm” vào dịp cuối năm
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), trước Tết Nguyên đán chừng 1 tháng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ thịt heo tăng vọt. Do đó, cơ quan chức năng nhận định đây là thời điểm “nhạy cảm” cho sản phẩm thịt heo kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuồn vào thị trường. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy trên 10 vụ thịt heo kém chất lượng, không có dấu kiểm dịch, thậm chí bị hôi thối được đưa đến các chợ để bán cho người tiêu dùng. Đa phần các vụ vi phạm xảy ra vào dịp cuối năm, tập trung nhiều nhất là ở khu vực chợ Đầm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn).
Đơn cử như vào tối 19/12/2017, CA TP Quy Nhơn phối hợp với Trạm thú y Quy Nhơn kiểm tra và phát hiện nhiều bao chứa thịt heo để trên vỉa hè đường Phạm Hồng Thái, gần khu vực chợ Đầm với tổng cộng 900kg. Toàn bộ số thịt này đã bốc mùi hôi. Tháng 11/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm soát giết mổ động vật TP Quy Nhơn cũng phát hiện, lập biên bản xử lý 1 chủ kinh doanh sản phẩm thịt heo chưa qua kiểm soát tại cơ sở giết mổ động vật tập trung với số tiền gần 1,4 triệu đồng; đồng thời, nhắc nhở 1 trường hợp vi phạm khác.
“Thời điểm cuối năm, sức tiêu thụ các mặt hàng như chả, chà bông, lạp xưởng,… thường tăng mạnh. Do vậy, không ít đối tượng lợi dụng điều này để trục lợi bất chính. Người tiêu dùng nên mua, sử dụng sản phẩm có bao bì, nhãn mác chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại những cơ sở sản xuất uy tín”, một cán bộ Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Định, khuyến cáo.
Tầm soát chặt chẽ!
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), để tầm soát chặt chẽ việc giết mổ, mua bán, vận chuyển các sản phẩm từ động vật trên địa bàn tỉnh, ngày 18/9/2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, về việc tăng cường công tác tổ chức, quản lý giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị đã quy định sản phẩm động vật lưu thông, mua bán, tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, bếp ăn, nhà hàng, các điểm mua bán sản phẩm động vật tại TP Quy Nhơn phải có dấu kiểm soát giết mổ xuất phát từ cơ sở giết mổ động vật tập trung. Từ ngày 1/11/2018, cơ sở giết mổ động vật tập trung tại KV 3, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đã chính thức đi vào hoạt động.
“Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh thật sự là giải pháp căn cơ để loại bỏ, xử lý có hiệu quả hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng. Bởi, tất cả các sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn TP Quy Nhơn không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y từ cơ sở giết mổ động vật tập trung sẽ bị xử lý”, ông Diệp đánh giá
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi - Thú y cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến, mua bán sản phẩm động vật tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản phẩm động vật. Đồng thời, Chi cục cũng phối hợp với UBND TP Quy Nhơn tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; kiên quyết xử lý những cơ sở hoạt động trái phép, chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo các quy định.
Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Định ông Trần Đức Tiến, cho hay: Từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - năm 2019, Cục chỉ đạo các Đội quản lý thị trường phân công lực lượng bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt thông tin nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mua bán, vận chuyển các sản phẩm động vật, trong đó có thịt heo và phủ tạng động vật kém chất lượng, không đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, Cục phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuần soát trên đường để chủ động xử lý có hiệu quả những phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật hôi thối, mất vệ sinh trên các tuyến QL qua địa bàn tỉnh.
Về phía địa phương, UBND TP Quy Nhơn cũng thành lập 3 Đoàn kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố; đồng thời, hướng dẫn Ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương cải tạo, nâng cấp, sắp xếp các quầy, sạp kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.