Ám ảnh ngập lụt

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:05, 11/12/2018

(TN&MT) - Chưa bao giờ các đô thị lại đứng trước nhiều thách thức như lúc này. Những đợt đe dọa của mưa lũ, bão lớn, triều cường… tất cả đang đòi hỏi cần một nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế cho các đô thị Việt Nam.

Trận mưa như trút cuối tuần qua đang khiến nhiều thành phố ven biển lâm vào cảnh lụt lội cục bộ. Dường như, việc ứng phó với những tình cảnh như vậy vẫn thụ động. Và, nhãn tiền là người dân đô thị phải chịu cảnh lội nước triền miên mỗi khi mưa xuống.

hinh04 (2)


Bấy lâu nay, chúng ta vẫn nhìn thấy một viễn cảnh hào nhoáng với các đô thị hoành tráng ở vùng ven đô thị lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Nhưng, bên cạnh đó, hiển hiện còn có mặt trái là các đô thị với nguy cơ ngập lụt cao mỗi khi mưa lớn đổ xuống. Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng bởi ở hầu hết các đô thị, cốt nền đã bị bỏ quên với rất nhiều lý do. Chính vì thế, viễn cảnh đô thị hoá trong tương lai của Việt Nam cần đặt vấn đề ứng phó với ngập lụt trong các quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và chiến lược phát triển cho các đô thị có vai trò nổi bật.

Đặc biệt, với những gì đang diễn ra tại các đô thị ven biển, cần phải xem xét lại các kịch bản ứng phó với thiên tai của các đô thị này. Khi mà những ám ảnh về tình trạng úng ngập, sạt lở của Nha Trang - đô thị du lịch ven biển hồi cuối tháng 11 còn chưa dứt, thì những hình ảnh lụt lội kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Ngãi suốt mấy ngày qua đã khiến người ta phải đặt câu hỏi: Khả năng chống chọi của các đô thị ven biển ở Việt Nam đến đâu? Những đô thị vốn được coi là “đáng sống”, được xây mới liệu có thực sự như kỳ vọng.

hinh02 (7)


Ngay với Đà Nẵng, vốn được thiên nhiên ban tặng cho sông Hàn, nơi có thể giúp thành phố dễ dàng thoát khỏi cảnh úng ngập, thế nhưng cũng không thể chịu nổi những đợt mưa lớn như những ngày qua. Hạ tầng đô thị lớn nhất miền Trung này đang bộc lộ bất cập rất rõ, đó là khả năng tiêu thoát nước quá kém, là sự chất tải quá lớn vào trung tâm đô thị, trong khi hạ tầng thoát nước không được đầu tư tương xứng.

Nhìn suốt qua các đô thị ven biển miền Trung, dễ nhận thấy, mối nguy ngập lụt càng rõ nét hơn bao giờ hết. Đợt mưa lớn vừa qua như dấu hiệu cảnh báo cho các đô thị ở Việt Nam sẽ phải đối chọi với các đợt úng ngập có thể còn tệ hại hơn thế. Nguyên nhân không phải chỉ do đường ống cũ, mưa lớn, triều cường ngày càng cao mà còn do chính các nhà quy hoạch, đã cấp phép hàng loạt dự án cho lấp đầm hồ, đồng ruộng, lấn sông ngòi… Rồi tình trạng xẻ rừng, chặn dòng thoát nước của các công trình xây dựng, dẫn đến sạt lở, úng ngập. Xung quanh các đô thị lớn, lẽ ra phải tăng thêm diện tích hồ tiêu thủy, rừng cây, các dự án lại cho tôn nền làm cho khu đô thị cũ trũng hơn, ngập hơn. Đã thế, các công trình tiêu thuỷ lại luôn đi sau một bước... Cứ như vậy, áp lực đè lên hạ tầng đô thị nên ngập lụt vẫn là nỗi lo thường trực mỗi mùa mưa xuống, triều lên. 

Trên thế giới cũng đã có rất nhiều đồ án quy hoạch có xu hướng bảo vệ các yếu tố tự nhiên mặt nước sông hồ. Những sông rạch tại nhiều đô thị trên thế giới đang được các nhà quản lý, các nhà qui hoạch, cộng đồng dân cư gìn giữ, nâng niu và bảo tồn; còn với các đô thị Việt Nam, những sông Sài Gòn, sông Hàn, sông Hồng, sông Tô Lịch… chúng ta đang khai thác đến cùng kiệt, lấp đi quá nhiều không gian mặt nước quý giá và nguy cơ xuất hiện những dòng sông chết đang không còn xa.

Chính các dòng sông đã ban tặng cho con người những dải phù sa màu mỡ, để từ đó, tạo nên bao sản vật, của cải nuôi sống con người. Cũng bên những dòng sông, bao phố thị sầm uất đã mọc lên, tạo lên bao thành phố. Nhưng thiên nhiên cũng sẽ tước đi những điều đó nếu như con người đối xử thô bạo với ngay nguồn sống của mình.