An ninh lương thực cho hộ nghèo ở Mai Châu - Bài 2: Đề xuất ba giải pháp để cải thiện thu nhập cho hộ nghèo ở Mai Châu

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:13, 04/12/2018

(TN&MT) - Một số nghiên cứu viên của Học viện Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát việc đảm bảo lương thực thực phẩm cho các hộ nghèo tại huyện Mai Châu (Hòa Bình). Nghiên cứu cho thấy, hộ nghèo thường gặp rất nhiều trở ngại về việc tiếp cận lương thực do điều kiện giao thông, kinh tế chậm phát triển. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 giải pháp nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật canh tác và thu hoạch để nâng giá trị sản phẩm cho người nông dân nghèo tại Mai Châu.
image003
Xây dựng hệ thống mương máng sẽ giúp cho việc sản xuất lúa hiệu quả hơn. Ảnh: Báo Hòa Bình

Đa dạng hóa hoạt động sản xuất

Để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và tạo thu nhập cho hộ nghèo, cải thiện, nâng cao hiệu quả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, chính quyền địa phương nên kết hợp với các tổ chức hỗ trợ giảm nghèo có thể xây dựng các mô hình trình diễn lúa, ngô, lạc trong các xã nghèo để giúp người dân nâng cao hiệu quả sử dụng giống cây trồng, hiệu quả sử dụng phân bón và giới thiệu các biện pháp canh tác phù hợp.

Chính quyền cũng là đầu mối trợ giúp cho các hộ gia đình nghèo từng phần hoặc toàn phần tiền mua giống vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà để mở rộng quy mô đàn và số hộ chăn nuôi. Có thể hỗ trợ bằng lợn giống, gà giống, nhưng phải được tuyển chọn tại địa phương hoặc có thể liên kết với các hộ gia đình không phải diện nghèo để cung cấp giống vật nuôi phù hợp với người dân tại địa phương. Hoạt động hỗ trợ cần tập trung vào cấp hộ gia đình thay vì nhóm hộ gia đình như hiện tại.

Hỗ trợ kỹ thuật

Trước mắt, các chính quyền, tổ chức hội nông dân cần tổ chức các khoá tập huấn vào từng thời điểm cụ thể, đảm bảo đúng yêu cầu mùa vụ trong trồng trọt và chăn nuôi để giúp người dân có biện pháp can thiệp kịp thời tình hình dịch bệnh của cây trồng và vật nuôi.

Đối với cây trồng, nội dung tập huấn cần tập trung vào: Kỹ thuật xử lý hạt giống ngô, lúa khi gieo trồng; Kỹ thuật làm đất, và sử dụng bón phân; Biện pháp chẩn đoán và quản lý sâu hại trên cây trồng.

Đối với vật nuôi, nội dung tập huấn cần tập trung vào: Kỹ thuật làm chuồng trại cho chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò; Biện pháp phòng, chống rét cho chăn nuôi lơn, gà, trâu, bò; Kỹ thuật chuẩn bị, chế biến thức ăn chăn nuôi; Kỹ thuật chăm sóc lợn giống, lợn sơ sinh; Biện pháp chẩn đoán dịch bệnh cơ bản cho vật nuôi.

Đối với cán bộ khuyến nông và cán bộ thú y cơ sở, cần có các khoá huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp làm việc với nông dân; trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp về kiến thức cơ bản trong chăm sóc, phòng, trị dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Cải thiện hoạt động sau thu hoạch

Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm như ngô, lạc, sắn của các hộ gia đình chủ yếu được thực hiện ngay tại thời điểm thu hoạch. Việc bán tươi hạn chế khả năng rải vụ trong nông nghiệp, làm tăng tính mùa vụ, tạo thời cơ để các đầu mối thu gom ép giá mua nông sản gây thua thiệt cho người dân.

Giải pháp cụ thể là giới thiệu và hỗ trợ công nghệ lò sấy ngô, sắn, lạc nhằm tăng khả năng bảo quản, tránh bị ép giá bán khi thu hoạch. Nội dung hỗ trợ này có thể hướng đến nhóm hộ gia đình nghèo theo phạm vi thôn bản, hoặc khuyến khích người dân tự đầu tư xây dựng công trình sấy nông sản và hỗ trợ gián tiếp vốn đầu tư cho công trình đó.

Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam năm 2018