An ninh lương thực cho hộ nghèo ở Mai Châu - Bài 1: Trở ngại trong tiếp cận lương thực, thực phẩm
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:09, 03/12/2018
Để tìm hiểu về an ninh lương thực cấp hộ tại huyện Mai Châu (Hòa Bình), nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin từ 203 hộ nghèo, 22 cán bộ lãnh đạo địa phương ở 5 xã. Việc khảo sát tại đây cho thấy, hộ nghèo gặp hàng loạt trở lại trong việc đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu của mình.
Không có nhiều tiền cho việc mua thêm lương thực, thực phẩm
Theo phạm vi địa lý, khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm của hộ được thể hiện thông qua khoảng cách từ nơi ở của hộ đến nơi trao đổi mua bán lương thực thực phẩm. Kết quả phân tích cho thấy, khoảng cách bình quân từ nhà tới chợ của các hộ là 4,29 km. Trong đó, hộ xa nhất cách chợ 12 km. Đây là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến việc mua và bán lương thực, thực phẩm. Do chợ chính ở các xã thuộc vùng dự án nằm khá xa nên các hộ thường mua lương thực, thực phẩm tại chợ tạm ở gần nhà hoặc từ người bán rong.
Xét về thu nhập, các hộ tại đây chủ yếu thu từ nông nghiệp. Ở huyện Mai Châu, trồng luồng, chăn nuôi lợn thịt, gà thịt là các hoạt động sản xuất ổn định và đặc trưng của kinh tế hộ nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất manh mún khiến việc tạo ra nguồn thu từ đây không lớn.
Trong số các hộ được điều tra, có 25% số hộ không có khả năng tham gia các hoạt động dịch vụ như nhổ cỏ thuê, bẻ ngô, phụ xây…, nghĩa là họ không có tiền. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn mua thêm lương thực thực phẩm.
Thêm nữa, các hộ nghèo thường không có tiền dự trữ nên việc no đủ lâu dài khó được đảm bảo. 97,5% hộ trồng ngô; 91,2% hộ trồng lạc và 84,6% hộ trồng sắn bán ngay sau khi thu hoạch do hộ thường gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản sau thu hoạch. Nhiều hộ cần tiền để trang trải nợ ở thời điểm trước đó đã đi vay để mua lương thực hoặc mua chịu. Mặt khác, do chợ xa, vận chuyển nông sản cồng kềnh hoặc không có phương tiện vận chuyển cũng là một trong những nguyên nhân hộ bán ngay khi thu hoạch.
Dinh dưỡng không cân đối
Qua phỏng vấn các hộ dân, trên 65% số hộ không ăn bất kỳ các loại củ, cà chua, đậu đỗ hoặc trái cây trong 1 tuần trước thời điểm khảo sát. Tỷ lệ còn lại nằm ở tần suất sử dụng 1-2 lần hoặc 3-5 lần. Số hộ trả lời ăn hàng ngày với nhóm thực phẩm này chiếm tỷ lệ không đáng kể. Cơ cấu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật ở nhóm hộ thuộc vùng dự án đang mất cân đối giữa rau xanh với các loại củ, đậu đỗ và trái cây. Nguyên nhân là do, hộ chưa có nhận thức sự đa dạng về các loại rau củ quả trong bữa ăn.
Tần suất sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật bao gồm thịt, trứng các loại, tôm cua ốc, tập trung chủ yếu ở nhóm từ 1-2 lần/tuần. Với thực phẩm thịt, hộ sử dụng thịt lợn là chủ yếu với 56% số hộ tiều dùng 1-2 lần/tuần. Thực phẩm là trứng gà, vịt đa số là thực phẩm do hộ tự sản xuất.
Nếu đánh giá tính ổn định lương thực theo mức độ dự trữ, hộ nghèo ở các xã thuộc huyện Mai Châu có mức độ dự trữ thấp. Kết quả này phản ánh đúng đặc điểm tiếp cận thị trường khó khăn của hộ. Về khả năng bảo quản dự trữ lương thực, tổn thất lương thực ở mức nhỏ hơn 5% tổng lượng dữ trữ chiếm tỷ lệ cao ở cả gạo và ngô (gạo: 81,3%, ngô: 53,3%). Tỷ lệ hao thụt thấp do hộ thường cất trữ trong thời gian ngắn. Cất trữ lương thực và khả năng tiếp cận lương thực từ thu nhập bằng tiền giúp hộ giải quyết bài toán thiếu đói.
Tuy nhiên, với lượng lương thực bình quân quy thóc thấp và còn gặp rất nhiều hạn chế trong tìm kiếm việc làm tạo thu nhập phụ nên nhiều hộ nghèo ở Mai Châu luôn phải đối mặt với những khó khăn do thiếu lương thực vào thời điểm chưa đến thu hoạch.
“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”