Thừa Thiên Huế: Ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:54, 18/11/2018
Theo tìm hiểu, trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có khoảng hơn 30 doanh nghiệp có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và 29 kho chứa. Trong năm 2016, tỉnh này đã xảy ra 2 vụ trộm kíp nổ với hơn 9.500 kíp nổ bị mất cắp. Thực trạng này cho thấy những bất cập cũng như tồn tại trong hoạt động quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, qua quá trình kiểm tra còn có một số tồn tại như: vi phạm kĩ thuật trong an toàn sử dụng, một số kho chứa chưa đáp ứng yêu cầu, công tác bảo vệ chưa được tổ chức chặt chẽ...
Quy chế này quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quy chế nêu rõ, nghiêm cấm nổ mìn vào những ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của Bộ Luật Lao động: Trước ngày nghỉ một ngày, trong ngày nghỉ và sau ngày nghỉ một ngày. Trong một số trường hợp đặc biệt (khi diễn ra các lễ, hội, sự kiện và các vấn đề quan trọng của Quốc gia, địa phương), Sở Công Thương có thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, doanh nghiệp việc không được tiến hành nổ mìn trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp xảy ra các vấn đề do hoạt động vật liệu nổ công nghiệp gây ra mất an ninh trật tự thì Công an tỉnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, doanh nghiệp việc không được tiến hành nổ mìn trong một thời gian nhất định và đồng thời thông báo cho Sở Công Thương.
Việc bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo an toàn, chống mất cắp; giữ được chất lượng; nhập vào xuất ra thuận tiện, nhanh chóng. Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo quản trong các kho, phương tiện chứa đựng đảm bảo an toàn; Kho hoặc phương tiện chứa vật liệu nổ công nghiệp chỉ được sử dụng sau khi đáp ứng và thỏa mãn các yêu cầu về an ninh, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần được bảo vệ; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về cấu trúc, vật liệu xây dựng và thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định có liên quan.
Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp khi không còn nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, phải chuyển giao số lượng vật liệu nổ công nghiệp còn chứa trong kho cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; Trong quá trình chuyển giao phải lập biên bản ghi rõ chủng loại, số lượng, chất lượng của vật liệu nổ công nghiệp được chuyển giao và có đầy đủ chữ ký của đại diện các bên tham gia chuyển giao, giám sát và phải lập báo cáo bằng văn bản gửi Sở Công Thương và Công an tỉnh. Trường hợp không chuyển giao được do vật liệu nổ công nghiệp quá hạn hoặc việc chuyển giao không đảm bảo các điều kiện an toàn, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp theo quy định.
Kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải được thiết kế, thi công, nghiệm thu, bàn giao theo đúng quy định của pháp luật. Kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng bảo vệ được huấn luyện về nghiệp vụ bảo vệ, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, được canh gác và bảo vệ 24/24 giờ.
Quy chế cũng quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu và phần mềm báo cáo trực tuyến.