Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:34, 09/11/2018
Tại một số bệnh viện (BV), mặc dù bệnh nhân đến khám và nhập viện không ồ ạt như mùa dịch năm 2017, song các bác sĩ cảnh báo, số bệnh nhân mắc có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.
Người lớn, trẻ nhỏ đều mắc
Sáng 7/11, tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư có 20 bệnh nhân mắc SXH đang nằm điều trị, chiếm gần 1/2 tổng số bệnh nhân của khoa. Bác sĩ Khổng Minh Quang cho biết, bệnh nhân mắc SXH nhập viện rải rác từ đầu năm, song khoảng 2 tuần trở lại đây số ca mắc tăng lên rõ rệt. Chỉ trong một tuần qua đã có tới 60 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH, có những ngày khoa phải tiếp nhận tới 10 bệnh nhân trong một buổi sáng.
“Phần lớn bệnh nhân nhập viện đều được chuyển từ nơi khác đến trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ thấp; không ít bệnh nhân mắc SXH trên nền bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, thậm chí ung thư máu phải áp dụng phác đồ điều trị phức tạp. Đặc biệt, khá nhiều bệnh nhân đến từ huyện Thường Tín (Hà Nội) nhập viện với biểu hiện lâm sàng nặng. Có bệnh nhân sốt đến ngày thứ 6, 7 mới đến viện, khi xét nghiệm thì tiểu cầu đã rất thấp” - bác sĩ Quang cho hay.
Tương tự, tại BV Đa khoa Xanh Pôn, trong một tuần qua BV đã tiếp nhận khám cho 127 ca mắc SXH, 23 trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Chiều 7/11, tại Khoa Nhi tổng hợp của BV cũng đang điều trị cho 10 bệnh nhi mắc SXH. Như trường hợp bé Trịnh Minh N. (14 tháng tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) mặc dù đã cắt sốt 2 ngày nhưng vẫn quấy khóc vì ngứa ngáy khắp người do nổi ban đỏ. Mẹ của bé N. cho biết, thôn Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức nơi gia đình chị đang ở rất nhiều người mắc SXH. Chị cho rằng, bé N. mắc SXH cũng vì lây từ bà nội của bé. “Vừa mới ở viện chăm mẹ chồng mắc SXH, chưa “hoàn hồn” lại đến con bị, tiểu cầu của cháu lại hạ thấp nên cả nhà ai cũng lo lắng” - mẹ bé N. cho hay. Bác sĩ Nguyễn Đăng Hoàng - Khoa Nhi tổng hợp, BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, qua khai khác thông tin thì hầu hết các bệnh nhân nhập viện do SXH đều sống trong vùng đang có dịch.
Thận trọng khi tự điều trị
Theo bác sĩ Khổng Minh Quang, hiện nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH tự xét nghiệm máu tại nhà để kiểm tra tiểu cầu, chỉ đến khi hạ thấp mới nhập viện. Tuy nhiên, trong SXH, bên cạnh việc hạ tiểu cầu, biến chứng cô đặc máu gây tắc mạch rất nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, nếu bệnh nhân tự điều trị tại nhà cần có sự tư vấn của bác sĩ, trong trường hợp bệnh diễn biến nặng cần đến ngay các cơ sở y tế. “Thời gian điều trị ở nhà, bệnh nhân cần bổ sung nước bằng oserol, hạ sốt bằng paracetamol. Tại các cơ sở y tế, việc truyền nước bổ sung cho người bệnh cũng cần tính toán kỹ, tránh tình trạng “thừa” nước trong người gây tràn dịch màng phổi” - bác sĩ Quang lưu ý.
Đối với các bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Đăng Hoàng khuyến cáo, bệnh nhi có sức đề kháng kém hơn người trưởng thành, hơn nữa nhiều trẻ chưa biết nói nên rất khó nhận biết các dấu hiệu biến chứng của bệnh. Vì vậy, khi trẻ sốt cao liên tục 3 ngày, cha mẹ cần đưa trẻ đến viện để xác định có phải SXH hay không và có hướng điều trị phù hợp. Đặc biệt, trong thời gian điều trị cần đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ để cơ thể nhanh hồi phục.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, không ít người dân vì thấy số ca mắc SXH năm nay giảm mạnh nên chủ quan, lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy. Trước tình hình dịch SXH có xu hướng gia tăng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, đặc biệt là các quận nội thành và các huyện vùng ven đô như Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Hoài Đức.
Trong tuần qua, toàn TP ghi nhận 312 trường hợp mắc SXH, tăng số ca mắc lên 2.338 người tính từ đầu năm 2018. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 348 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Trước đó, trong tháng 8/2018 chỉ ghi nhận trung bình 50 - 60 ca/tuần. |