Quảng Ngãi: Theo chân thợ săn “truy lùng” đặc sản Sùng Đất
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:16, 27/10/2018
Hàng năm cứ đến tầm đầu tháng 9, nhiều người dân Quảng Ngãi rầm rộ gọi nhau đi đào bắt sùng đất, loại côn trùng được ví như “hải sâm” trên cạn. Ngoài ra, sùng đất là loại "xuân dược" nghìn năm tráng kiện, là vị thuốc mà những người đàn ông nơi đây tin dùng để duy trì khả năng “phòng the của mình”.
Mùa đào sùng hàng năm ở đây bắt đầu vào khoảng tháng 9, khi những đám đất trồng củ mì (sắn) đã được thu hoạch xong... và kéo dài đến gần hết tháng 11, thời điểm người dân canh tác trở lại thì chấm dứt. Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian khá ngắn, thế nhưng việc đào bắt đặc sản sùng đất thu hút khá nhiều người dân ở xã Hành Tín Đông, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và một số vùng lân cận tham gia đào bắt sùng.
Theo người dân Quảng Ngãi, việc săn sùng đất vừa có thêm thu nhập và cũng là cách tiêu diệt côn trùng gây hại hoa màu.
Hàng ngày, những người đào sùng đất thường bắt đầu từ khoảng 6 giờ đến 10 giờ sáng và tiếp tục từ 14 giờ đến 17 giờ. Dụng cụ đào sùng rất đơn giản chỉ 1 cây cuốc và một cái xô. Không như những con vật khác, sùng đất đào bắt được người dân bỏ ngay vào xô có đựng nước mang theo để giúp sùng không bị đổi màu, khô nước bên trong con sùng.
Anh Nguyễn Đức Bằng (40 tuổi), xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cho hay: Mùa đào bắt sùng đất hàng năm chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 7-8 tuần (từ khoảng đầu tháng 9, đến cuối tháng 11). Khi cây mì tại các bãi bồi nằm ven sông trong vùng vừa được thu hoạch xong, cũng là lúc người dân chúng tôi kéo nhau mang cuốc, cầm xô nhựa đi đào sùng đất, rất nhộn nhịp. Trung bình mỗi ngày, đào được khoảng 1-1,5kg, chủ yếu là đem về nhà để thưởng thức và nhâm nhi vài ly rượu cùng với bạn bè, còn số dư cũng không nhiều để cung cấp cho hàng chục quán ăn lớn, nhỏ trong vùng, nói gì đến dư để bán ra nơi khác, kiếm thêm thu nhập.
Qua quan sát và nhìn nhận sùng đất thuộc loại thân mềm như con nhộng, nhưng có kích cỡ to hơn, bằng khoảng ngón tay cái người lớn. Thân sùng đất có màu trắng đục, đầu màu vàng, và phần đầu có màu đen phía dưới bụng có nhiều chân.
Chị Nguyễn Thị Hường (32 tuổi), ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành một trong những người chuyên nghiệp chế biến con vật này giãi bày. Cách làm sùng đất khá đơn giản: Ngắt phần đuôi và tuốt bỏ ruột, sau đó rửa sạch và chế biến thành nhiều món khác nhau như: Sùng nướng lá lốt, sùng tẩm bột để chiên, luộc, xào... Nhưng ngon nhất vẫn là món sùng đất nướng và chấm muối ớt, vắt thêm một tí chanh nữa.
Sự khác lạ cùng với những hương vị dai, thơm, ngon, ngọt nhưng không béo ngậy của món sùng đất nướng, sùng đất rất giàu dinh dưỡng, không chỉ làm mê hoặc các dân nhậu, mà cả những người sành ăn khó tính.
Ngoài sử dụng để chế biến làm thức ăn trong gia đình, đặc sản sùng đất còn được người dân đào bán cho các quán nhậu để làm mồi nhấm với giá 200.000 đồng/kg. Nhưng không ít thời điểm phải nhờ người thân đặt trước mới có thể mua được.