Mô hình can thiệp CMPP: Cơ hội cho trẻ đặc biệt ở Việt Nam
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:34, 25/10/2018
Đây là buổi hội thảo đặc biệt nhân chuyến thăm và làm việc tại trung tâm của hai nhà tâm lý học hàng đầu của Hội NT-Psy Paris nhằm cùng với các chuyên gia của trung tâm tại Việt Nam cập nhật về Thực trạng can thiệp trị liệu cho trẻ đặc biệt ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm chăm chữa Rối loạn tâm lý - tâm thần trẻ em ở Pháp và Ứng dụng mô hình CMPP chăm chữa trẻ em có rối loạn tâm lý – tâm thần ở Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm thần học trong và ngoài nước như: TS.BS. Cao Văn Tuân, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tâm lý Giáo dục, nguyên trưởng khoa Tâm thần nhi, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Tâm thần TW 1; TS.BS. Marie – Eve Hoffet: Chủ tịch Hội NT-Psy Paris; TS.BS. Pascale Ambroise: Thành viên Hội NT-Psy Paris; PGS.TS. Trần Thu Hương - Nguyên Phó chủ nhiệm khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV.
Chương trình cũng thu hút sự tham gia của gần 150 bố mẹ, gia đình mong muốn tìm hiểu về cách tiếp cận trẻ đặc biệt để từ đó có cách giao tiếp, chăm sóc và giáo dục phù hợp giúp các con hòa nhập với cộng đồng.
Theo nghiên cứu của UNICEF về mức độ và tính phổ biến của các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Tổng quan các bằng chứng về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung đối với trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam dao động từ 8% đến 29%. Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy tỷ lệ trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em khoảng 12%, đồng nghĩa với việc hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, đơn độc, tự kỷ) và vấn đề hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý).
Hiện nay tại Việt Nam, số trẻ tăng động có chiều hướng tăng mạnh, và số trẻ chậm phát triển tâm thần cũng là một thách thức với các cơ quan chức năng, ban ngành. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về trẻ tự kỷ, nhưng theo ước tính do Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTB&XH đưa ra, Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ. Khoảng 75% trẻ em tự kỷ thường kèm theo chậm phát triển trí tuệ. Trong số này, có khoảng 40% trẻ tự kỷ có chỉ số thông minh dưới 50, khoảng 30% có chỉ số thông minh ở mức 50-70. Theo tiêu chuẩn ấn định của trắc nghiệm trí tuệ Wechsler, chỉ số thông minh trung bình của con người là 100 điểm và cá nhân nào ở mức điểm dưới 70 được xem là thuộc loại chậm phát triển trí tuệ. Điều đáng chú ý là trong số các em bị bệnh tự kỷ lại có em đặc biệt có chỉ số thông minh rất cao và có những khả năng vượt trội trên hiều phương diện thuộc về trí nhớ, toán hoạc và nghệ thuật. trên thực tế có nhiều trẻ tự kỷ trở thành thần đồng trong một số lĩnh vực. Trẻ có nhu cầu đặc biệt cần được dạy dỗ, luyện tập và điều chỉnh, cũng như trẻ bình thường.
TS.BS. Cao Văn Tuân - Nguyên Trưởng Khoa Tâm Thần Nhi – Trưởng phòng chỉ đạo tuyến BV Thần kinh trung ương 1, cho biết: “Những chứng bệnh như bệnh tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý… này được khởi phát rất sớm trong những năm đầu đời của một đứa trẻ, làm rối loạn quá trình phát triển tâm lý bình thường. Biểu hiện ra bên ngoài là từ chối giao tiếp hoặc giao tiếp bất thường, chậm phát triển về ngôn ngữ hay thậm chí không có ngôn ngữ, trẻ có thể có hành vi bất thường dập khuôn hay hành vi tự hủy hoại cơ thể. Đây là những rối loạn mà chúng ta không được phát hiện, chăm chữa sớm đúng cách sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và bản thân đứa trẻ.
Các nghiên cứu đã chứng minh, việc can thiệp giáo dục sớm có thể mang đến những kết quả tốt, giúp trẻ nhận biết những gì đang diễn ra trong môi trường xung quanh, biết chú ý, biết bắt chước hành vi, dẫn đến dần cải thiện những kỹ năng chưa hoàn thiện hoặc còn thiếu của trẻ. Đó cũng chính là hướng đi của mô hình can thiệp sớm theo phương pháp CMPP của cộng hòa Pháp. "Chúng tôi hy vọng và mong muốn có thể triển khai được mô hình này tại các tỉnh thành, đặc biệt là các vùng xa xôi, để những trẻ em không may mắc phải những rối loạn này, cũng được tiếp cận những chăm sóc tiên tiến mà mô hình này đem lại và có cơ hội được sớm hòa nhập vào cộng đồng. Hy vọng rằng mô hình CMPP sẽ thừa hưởng những thành tựu của những nghiên cứu, đóng góp trên thế giới, cùng những kinh nghiệm của Việt Nam chúng ta hôm nay, sẽ đóng góp vào công cuộc chăm sóc trẻ em đặc biệt tại Việt Nam sớm theo kịp với thế giới.”
Tại Hội thảo các chuyên gia đã chia sẻ và trao đổi về phương pháp CMPP (thăm khám, đánh giá khá toàn diện các vấn đề của trẻ từ rối loạn tâm lý đến rối loạn tâm thần nặng), Mô hình CMPP tiếp cận toàn diện, Hoạt động của CMPP và Triển khai mô hình CMPP ở trung tâm EDI…
Theo TS.BS. Cao Văn Tuân, mô hình CMPP khá mới ở Việt Nam, phần lớn các nhà tư vấn tâm lý, giáo dục đặc biệt và bác sĩ vẫn làm riêng biệt dưới các mô hình phòng khám y khoa, trung tâm tư vấn tâm lý hoặc tâm lý giáo dục chuyên biệt hay can thiệp giáo dục tại nhà cho trẻ. Hoặc mô hình dưới dạng CPP và CMP giống ở Pháp giai đoạn tiền CMPP. Do vậy ít có sự liên kết, liên minh giữa các nhà chuyên khoa, với các tổ chức khác mặc dù can thiệp trên cùng một trẻ em.
Những khó khăn thời gian đầu do nhân lực chưa ổn định. chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn sâu và can thiệp chưa chuyên nghiệp. Làm việc theo ê kíp chưa trở thành thói quen đối với các thành viên của trung tâm giữa bác sĩ, nhà tâm lý và nhà giáo dục đặc biệt…
Trong điều kiện Việt Nam chưa có nhiều cơ sở và loại hình thăm khám và điều trị ngoại trú cho trẻ có rối loạn tâm lý tâm thần ở miền bắc mới chỉ có một mô hình bệnh viện ban ngày đó là Bệnh viên tâm thần ban ngày Mai Hương. “Mô hình CMPP tiếp cận đánh giá và chăm sóc toàn diện đáp ứng được nhu cầu thăm khám và chăm chữa đa dạng, phong phú cho trẻ và gia đình” – bác sỹ Cao Văn Tuân cho hay.
Mô hình CMPP tiếp cận toàn diện Trung tâm Y học - tâm lý - giáo dục gọi tắt là CMPP (Centre Médico - Psycho - Pédagogique) là trung tâm thăm khám, chẩn đoán và chăm chữa ngoại trú cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 0 -20 tuổi có các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần. Là mô hình tiên tiến ra đời ở Pháp vào những năm 60, có sự kết hợp giữa 2 mô hình CPP và CMP trước và nhanh chóng phát triển. Mô hình này tiếp cận toàn diện trên cả 3 mặt Y học – Tâm lý và Giáo dục. Nhân sự của CMPP là một ê kíp đa ngành gồm có: bác sĩ tâm thần nhi, cán bộ tâm lý lâm sàng, nhà tâm vận động, nhà chỉnh âm, nhà giáo dục đặc biệt và cán sự xã hội… Mô hình CMPP được áp dụng ở trung tâm EDI gần một năm qua, nhân lực của trung tâm hiện nay bao gồm gồm 1 bác sĩ tâm thần nhi, 2 cán bộ tâm lý lâm sàng và 4 nhà giáo dục đặc biệt. |