Sơn La: Công bố nhãn hiệu chứng nhận chè và khoai sọ Thuận Châu
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:47, 13/10/2018
Ông Đào Tài Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Trong những năm qua, để phát huy những thế mạnh của địa phương, huyện Thuận Châu đã không ngừng đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với cách làm đồng bộ, từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.000 ha chè, gần 5.500 ha cà phê, 4.600 ha sơn tra, hơn 3.000 ha cây ăn quả và nhiều diện tích nông sản khác. Hàng năm, địa phương đã cung cấp ra thị trường trên 6.000 tấn chè, 4.000 tấn cà phê và 6.000 tấn quả đảm bảo chất lượng. Bước đầu, các sản phẩm chè và quả của huyện đã xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Pháp...
Tại ngày hội, đại diện Cục sở hữu trí tuệ đã công bố và trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chè Phổng Lái, Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”. Đây là sự ghi nhận kết quả sau bao cố gắng, nỗ lực của người trồng chè, khoai sọ trên địa bàn huyện Thuận Châu. Đó còn là tiền đề quan trọng nâng cao giá trị, uy tín của sản phẩm chè và khoai sọ Thuận Châu trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.
Được biết, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Thuận Châu, được trồng từ những năm 1959 với giống chè Shan tuyết, chủ yếu ở khu vực xã Phổng Lái và dưới chân đèo Pha Đin. Do thích hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến nghiêm ngặt mà sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu có nhiều điểm khác biệt và ưu thế hơn với chè của các địa phương khác như: nước chè có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu và ngọt, được nhiều người dùng trong nước và thị trường nước ngoài ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích cây chè đã được mở rộng ra trồng ở nhiều xã trong huyện Thuận Châu như Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập với diện tích trên 1.000 ha.
Cùng với cây chè, khoai sọ cũng là cây trồng phù hợp với khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng của huyện Thuận Châu. Khoai sọ được trồng nhiều ở một số tỉnh miền núi Tây Bắc, nhưng có giá trị dinh dưỡng cao, ngon và thơm nhất vẫn là khoai sọ trồng tại huyện Thuận Châu. Theo Quyết định số 10/2002/QĐ-BNN, ngày 17/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoai sọ Thuận Châu đã được đưa vào danh sách các loại nguồn gen quý của Việt Nam cần phải được giữ gìn và phát triển. Do nhu cầu thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm khoai sọ Thuận Châu ngày càng tăng nên diện tích khoai sọ trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện nay đã mở rộng trên 120ha, sản lượng hàng năm ước đạt 1.450 tấn.
Nhân dịp này, BTC ngày hội đã vinh danh những người trồng chè, khoai sọ, sơn tra tiêu biểu trên địa bàn huyện Thuận Châu.
Ngày hội nông sản tiêu biểu huyện Thuận Châu diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/10, với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi và hấp dẫn như: Thi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản địa phương với sự tham gia của trên 30 gian hàng của các xã, thị trấn và các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Các sản phẩm trưng bày giới thiệu, như: sản phẩm chè, khoai sọ, sơn tra, nhãn chín muộn, chanh leo, sa nhân, sâm đương quy, mật ong, giống cây trồng, cá sông Đà…
Phần thi tài năng người làm chè với 5 đội thi của 4 xã là Phổng Lái, Mường É, Chiềng Pha và Phổng Lập. Đây là những xã có diện tích trồng chè lớn của huyện Thuận Châu. Các đội tham gia phải trải qua các phần thi, gồm: phần chào hỏi, giới thiệu về đội mình; thi kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế chè; thi hái chè
Bên cạnh đó là phần thi trò chơi truyền thống, thể thao các dân tộc với 100 vận động viên đến từ các xã, thị trấn, tham gia thi đấu các nội dung đẩy gậy, kéo co, ném còn, bắn nỏ... Đặc biệt, du khách còn được tham gia các tour tham quan đến các đồi chè, vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất chè, thăm quan một số di tích lịch sử, mô hình du lịch trải nghiệm như: mô hình du lịch tại đèo Pha Đin và mô hình trồng đương quy, sa nhân của ông Bùi Văn Thiệp, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái; mô hình trồng cam tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel của ông Phạm Tiến Chung, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái; mô hình vườn chanh leo của bà Hoàng Thị Thảo tại bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha; thăm đồi chè ô long, cơ sở sản xuất chè ô long của Công ty TNHH Trà Thu Đan tại bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái; thăm quan mô hình mắc ca của hộ ông Trần Văn Đồng, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái…
Ngày hội là dịp để địa phương quảng bá, giới thiệu những hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu và các sản phẩm nông sản tiêu biểu tới người tiêu dùng cũng như du khách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, ngày hội còn nhằm thu hút đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa những người nông dân sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân địa phương. Ngoài ra, thông qua ngày hội tạo sự tương hỗ, phát triển du lịch nông nghiệp; duy trì, phát triển vùng chè và khoai sọ Thuận Châu cũng như các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng, hiệu quả.