Quảng Nam: Dân thấp thỏm vì lo sợ sạt lở núi
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:52, 08/10/2018
Ẩn họa lở núi
Nhà nằm ngay dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn, bà Võ Thị Loan (57 tuổi, trú thôn 1, xã Tiên Cảnh) cho biết, từ lúc mới lập làng, khi chưa có dấu hiệu sạt lở, ngọn núi này là nơi che chắn mưa bão an toàn cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngọn núi có dấu hiệu bị “động” nên người dân luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Những năm trước, tại đây đã xảy ra sạt lở, nhiều khối đất đá trên đỉnh núi tràn xuống vùi lấp hết ruộng đất sản xuất của bà con, rất may chưa có thiệt hại về người.
“Biết là nguy hiểm, nhưng gia đình tôi và các hộ dân khác không có tiền để chuyển đến nơi khác. Nếu có một trận mưa lớn kéo dài thì chắc chắn đất đá trên núi sẽ tràn xuống, vùi lấp hàng chục ngôi nhà. Vậy nên, cứ có mưa là buổi tối chúng tôi đều không dám ngủ để canh chừng, lỡ có chuyện gì xảy ra còn hô hoán để chạy kịp. Cứ nghĩ đến sự cố sạt lở núi ở Nam Trà My vùi lấp nhà cửa và làm nhiều người chết vào năm ngoái chúng tôi mất ăn mất ngủ vì lo lắng ”- bà Loan bộc bạch.
Nhiều nhà dân dù đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không sửa chữa xây mới vì có thông tin huyện đã có chủ trương di dời dân đến nơi ở mới. Thế nhưng, gần 10 năm qua vẫn không thấy thực hiện. Mỗi khi trời mưa lớn, chính quyền xã Tiên Cảnh đến vận động người dân nên xuống trụ sở, trường học để lánh nạn.
Ông Phạm Văn Đào (57 tuổi, trú thôn 1, xã Tiên Cảnh) cho hay, vết nứt trên núi Rẫy Tranh Lớn đã xuất hiện sau trận lũ lớn vào năm 1999. Thời điểm đó, người dân nghe nhiều tiếng động trên đỉnh núi, đất đá ập xuống lấp nhiều ruộng vườn, vùi 1 nhà dân. Vết nứt ngày càng lan xa, rộng hơn 1 m, dài gần 1 km, nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào nếu có mưa lớn kéo dài.
“Mấy năm trở lại đây, do việc phát rừng làm nương rẫy, độ che phủ thấp nên mùa mưa năm nào núi cũng bị sạt lở đổ xuống ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con. Sống dưới chân núi rất, lúc nào cũng thấp thỏm nhà cửa bị đổ sập vì núi lở. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có hướng giải quyết để bà con nơi đây yên tâm làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình” - ông Đào bức xúc.
Mòn mỏi chờ tái định cư
Ông Nguyễn Phước Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, hiện thôn 1 có 36 hộ dân sống dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn có nguy cơ bị sạt lở, trong đó 25 hộ ở trong vùng nguy hiểm cảnh báo cần được di dời khẩn cấp. Đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, việc tự di dời đến nơi ở mới là không thể nên họ vẫn bám trụ ở đây, chờ chính quyền giúp đỡ.
Trước thực tế đó, địa phương đã lập phương án di dời các hộ dân sinh sống có nguy cơ bị sạt lở dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn trình lên huyện, tỉnh để xem xét sớm đưa các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Năm 2017, xã cùng các ngành của huyện và tỉnh đã khảo sát, xác định khu vực này có nguy cơ sạt lở cao nên đã có phương án hỗ trợ kinh phí để sớm di dời. Hiện địa phương đã quy hoạch sẵn khu vực khoảng 2 hecta, tất cả các thủ tục đã được hoàn thành. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng rất lớn, địa phương đang gặp khó khăn.
“Đất để xây dựng khu tái định cư là của người dân đang canh tác, phải có kinh phí đền bù mới xây dựng khu tái định cư được. Đồng thời, nơi ở mới phải đảm bảo các điều kiện về điện, nước…, vì vậy phải cần đến 6 - 7 tỉ đồng. Với khoản kinh phí này, địa phương không có khả năng”, ông Dương nói.
Ông Lê Trí Hiệu, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cũng thừa nhận địa phương gặp “chút khó khăn về nguồn vốn” dù đã lập dự án xây dựng khu tái định cư. Chính quyền huyện đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục, chậm nhất trước mùa mưa 2019 sẽ có khu tái định cư.
“Trước mắt, và mùa mưa là địa phương cắt cử cán bộ túc trực để tiến hành di dời người dân dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn đến nơi an toàn, tránh những rủi ro đáng tiếc. Về lâu dài, chính quyền huyện sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn sớm triển khai xây dựng khu tái định cư, chậm nhất sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2019”, ông Hiệu thông tin thêm.