Chi hàng trăm tỷ USD mỗi năm để điều trị bệnh tim mạch

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:38, 05/10/2018

(TN&MT) - Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu các thông tin về Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 từ ngày 5-7/10 do Hội Tim Mạch Việt Nam tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ tại buổi họp báo
GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 có sự tham dự của 2.000 đại biểu, với hơn 300 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt là các Giáo sư là Chủ tịch của nhiều Hiệp hội Tim mạch lớn trong khu vực và trên thế giới.

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Tiếp cận đa ngành và cá thể hóa” sẽ có gần 600 bài báo cáo chuyên môn của các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và thế giới, được trình bày tại gần 200 phiên họp, đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trong chuyên ngành tim mạch với nhiều chủ đề đa dạng và nhiều cập nhật như: Cập nhật khuyến cáo về xử trí bệnh tim mạch ở phụ nữ có thai; các khuyến cáo về điều trị rối loạn mỡ máu ở các nước châu Á; các rối loạn tim mạch chuyển hoá ở người suy tim; chẩn đoán và kiểm soát tăng huyết áp tại tuyến cơ sở; tiếp cận toàn diện bệnh tim mạch ở người cao tuổi; chăm sóc đa ngành cho người bệnh tim mạch.

“Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 nhằm tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng, để người dân có những kiến thức, những hiểu biết trong phòng, chống bệnh lý này”- GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết.

Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.