Sơn La: Khó khăn bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai
Sức khỏe - Ngày đăng : 22:18, 30/09/2018
Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến thời tiết và thiên tai xảy ra phức tạp, cực đoan với những đợt mưa to dài ngày, mưa lớn bất chợt tập trung cục bộ, gió lốc kèm theo mưa đá với cường độ mạnh, dông sét gây thiệt hại gia tăng. Lũ lớn trên các sông suối, lũ quét cục bộ các lưu vực, sạt lở nghiêm trọng nhiều khu dân cư và các tuyến đường giao thông; gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất. Đáng chú ý, trong mùa mưa lũ 2018 thiệt hại về người do sét đánh gia tăng làm 6 người chết, 02 người bị thương.
Theo số liệu từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, thiên tai từ đầu năm tính đến hết tháng 8/2018, đã làm 20 người chết, 01 người mất tích, 18 người bị thương; 160 nhà sập đổ, cuốn trôi; 3.711 nhà bị sạt lở, tốc mái, hư hại; 1.176 nhà phải di dời khẩn cấp; 1.326 nhà bị ngập; 61 điểm trường học bị thiệt hại; Tổng diện tích nông nghiệp bị thiệt hại: 2.635 ha lúa, 1.930 ha ngô, hoa màu, 306 ha cây ăn quả, 116,62 ha cây hàng năm, 1.018 ha cây lâu năm. Diện tích ao cá bị thiệt hại 331,8 ha, sản lượng cá bị cuốn trôi 75,15 tấn; 2.119 con gia súc, 3.624 con gia cầm. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 973 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh Sơn La đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả, kịp thời ngăn chặn được nguy hiểm cho các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, bước đầu hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, có phương án, cách thức triển khai khắc phục về hạ tầng (cầu, đường, kè đá); động viên nhân dân vùng bị thiệt hại và khôi phục một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, cấp bách. Kịp thời tháo dỡ, di chuyển nhà cửa và tài sản cho các hộ gia đình có nguy cơ mất an toàn đến nơi an toàn, tiếp tục theo dõi mức độ ảnh hưởng, nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời.
Về thủy lợi và nước sinh hoạt, đã khắc phục tạm thời các công trình bị hư hỏng nhẹ để phục vụ sản xuất và thực hiện sửa chữa, lắp đặt cấp nước tạm thời cho nhân dân vùng có hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng. Tổ chức thống kê, xác minh, xây dựng phương án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho người dân. Tổ chức tốt việc cứu chữa người bị thương, xử lý môi trường, phun tiêu độc khử trùng không để dịch bệnh xảy ra.
Thiếu vốn và quỹ đất để ổn định dân cư
Tuy nhiên, dù đã tích cực khắc phục, tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân khôi phục lại nhà cửa, chỗ ở, nơi sản xuất, sinh hoạt, song vẫn còn nhiều hộ gia đình bị sập đổ nhà hoàn toàn đang đi ở nhờ hoặc dựng lán tạm để ở. Nhiều hộ nằm trong khu vực sạt lở cần di dời khẩn cấp vẫn đang phải định cư chưa di dời do khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn.
Ông Cầm Bun Păn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Thường trực Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La cho rằng: Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay việc sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai đang phải giải quyết 2 vấn đề, đó là: Bố trí di chuyển dân khẩn cấp vùng thiên tai tác động do thời tiết cực đoan bất thường, bất ngờ, bất kỳ như mưa lớn cực đoan, bất chợt, cục bộ xẩy ra lũ quét, sạt lở khu dân cư trong mùa mưa lũ hàng năm. Thứ hai là bố trí sắp xếp di chuyển dân vùng thiên tai nằm trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ quét, sạt lở di dời đến nơi ở mới an toàn ổn định lâu dài.
Được biết, triển khai thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 -2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 07/05/2013 phê duyệt Dự án “Rà soát, bổ sung Quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, với mục tiêu: Quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020 cần bố trí, sắp xếp, ổn định di dân ra khỏi vùng thiên tai 217 điểm, 3.299 hộ, 16.074 nhân khẩu. Tiến độ thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 vùng phòng tránh thiên tai là 2.145 hộ. Trong đó, giai đoạn 2016-2018 là 958 hộ. Thế nhưng, đến nay số hộ đã di chuyển đến điểm bố trí mới chỉ có 269 hộ/958 hộ, với 9,5ha đất ở, đạt 28% kế hoạch.
Nguyên nhân là do nguồn vốn bố trí thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai cho giai đoạn 2016 - 2018 còn thấp so với nhu cầu, mới bố trí được 172.383 triệu đồng/261.433 triệu đồng, đạt 66%. Trong đó, ngân sách Trung ương mới phân bổ 7.000 triệu đồng, đạt 2,6%.
Bên cạnh đó, công tác vận động, tuyên truyền người dân đi ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét cũng gặp nhiều khó khăn. Từ lâu đời, do truyền thống và tập quán sinh sống, người dân thường sinh sống ở gần nguồn nước, những nơi có diện tích đất thuận lợi cho canh tác ven bờ sông suối, những vùng thung lũng hay trên các sườn núi cao có thể làm ruộng, nương rẫy canh tác sinh sống. Song tại đây cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các dạng thiên tai.
Là tỉnh miền núi địa hình địa chất phức tạp, hiểm trở, nên Sơn La cũng thiếu mặt bằng để bố trí sắp xếp dân cư và phát triển xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Do độ dốc cao, việc cải tạo mặt bằng nhà ở khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình phúc lợi công cộng... khối lượng san ủi lớn, phải kè chắn tạo mặt bằng, chi phí rất lớn. Do vậy, diện tích bố trí đất nền nhà ở cho các hộ tại các điểm sắp xếp dân cư tập trung rất hẹp, người dân ở nông thôn sống bằng nghề nông nghiệp, khó khăn về quỹ đất để phát triển chăn nuôi và phát triển kinh tế hộ gia đình.