Quảng Nam: Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:47, 18/09/2018

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. 
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã khuyến cáo, dịch tả heo châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã  khuyến cáo, dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc
 

Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng giết chết mỗi con lợn bị nhiễm bệnh, siêu vi khuẩn này rất dễ lây và dai dẳng. Không có vacxin nào để bảo vệ lợn khỏi bị tiêu hủy một khi đã nhiễm bệnh. Hiện chỉ có áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt từ xa là cách để hạn chế tốt nhất việc lây lan của dịch bệnh này.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã khuyến cáo, dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc. Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thịt lợn tại các tuyến biên giới. Bệnh tả lợn Châu Phi không lây bệnh cho người, nhưng sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.  

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này thành lập các đoàn kiểm tra để nắm bắt cụ thể về tình hình chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, các gia trại, trang trại, các doanh nghiệp chăn nuôi đóng trên địa bàn để tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, việc theo dõi, giám sát lâm sàng tập trung vào đối tượng các đàn lợn tại các địa phương. Trường hợp phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép thì phải báo ngay với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện để lấy mẫu gửi chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật). Việc lấy mẫu phải có sự phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tham mưu chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý việc vận chuyển, nhập lợn tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung và các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Khuyến cáo cho người chăn nuôi, cộng đồng dân cư không vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác; kể cả vận chuyển và sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín từ các nước có bệnh dịch tả lợn Châu Phi.  

Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan Thú y. Hằng ngày phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm và lây lan (vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng; đồng thời định kỳ vệ sinh, khử trùng và tiêu độc những nơi có nguy cơ cao).Tránh để người dân  giấu dịch, giữ lợn bệnh để điều trị sẽ có nguy cơ dẫn đến dịch bùng phát, khó kiểm soát. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh.  

Khuyến cáo người dân sử dụng các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch. Không ăn tiết canh lợn và nên nấu chín trước khi sử dụng. Bởi kể cả không có dịch tả ở lợn thì người tiêu dùng vẫn có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác do sử dụng, giết mổ lợn bị bệnh. Phổ biến nhất là bệnh liên cầu khuẩn lợn do giết và ăn thịt, ăn tiết canh lợn bị bệnh.

UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm các hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; vi phạm về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; vi phạm về kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.