Dập dịch ngay từ trong ý thức

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:06, 31/08/2018

Ngành Y tế và người dân cũng như xã hội khó có thể quên những con số choáng váng về dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở 61/63 tỉnh, thành phố của cả nước năm 2017. Số người mắc bệnh, số địa phương có dịch, số tiền bỏ ra để chống dịch… đều khiến tất cả phải giật mình.

Dịch bùng phát là người dân thiệt thòi đầu tiên, ngành Y tế căng mình ra, cả xã hội cũng căng theo… Sẽ là những đêm không ngủ của nhiều gia đình. Tốn kém, mệt mỏi, thậm chí là mất mát.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là ngoài những yếu tố khách quan dẫn tới dịch bệnh, thì sốt xuất huyết - bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng ngừa lại có thể bùng phát mạnh chính là từ thái độ chủ quan, thiếu ý thức của con người. Tình trạng nhiều khu dân cư, nhiều gia đình còn để tồn đọng các ổ bọ gậy - môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, là minh chứng cụ thể nhất. Chưa kể, trong tháng 7-2018, số ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần chỉ dừng ở 15 đến 20 ca, thì ngay những ngày cuối tháng 8, con số này đã tăng lên từ 50 đến 60 ca một tuần, thêm 11 ổ dịch mới được phát hiện. Và không ai chắc, nếu cứ chủ quan thì số ca mắc, số ổ dịch sẽ không tăng; bởi theo thông lệ - sau những ngày mưa ngâu kéo dài sẽ là giai đoạn đỉnh dịch sốt xuất huyết.

dập dịch sxh ngay từ trong ý thức
Cán bộ y tế phun hóa chất tại trường học để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Quang Dung

Rõ ràng, dập dịch sốt xuất huyết trước hết phải ngay từ trong ý thức, liên tục trước, trong và sau mùa dịch, tạo thành một thói quen, một phản xạ tốt của cả cộng đồng.

Muốn vậy, trước hết, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, có trọng điểm và hiệu quả. Đặc biệt là trước nhận thức và tâm lý thờ ơ với dịch bệnh còn phổ biến, thì tuyên truyền tốt đáng được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Trong đó, tuyên truyền phòng dịch, dập dịch ngay từ trong ý thức cần nhắm trúng những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao. Đó là các khu dân cư gần chợ, các khu trọ của công nhân, công trường xây dựng, nơi trọ của những tân sinh viên từ các tỉnh về Hà Nội học... - những nơi dễ xuất hiện các vũng nước đọng tạo thành ổ lăng quăng, ổ muỗi truyền bệnh, nhưng lại thường bị lãng quên.

Tuyên truyền cũng cần bảo đảm đầy đủ các bước từ phòng, chống dịch đến cách thức xử lý đối với những trường hợp đã mắc bệnh, như phải đến cơ sở y tế kịp thời, tuân thủ các yêu cầu tránh lây lan bệnh, bảo vệ cộng đồng, hiểu rõ “người mắc bệnh và người nhiễm vi rút không triệu chứng cũng là nguồn truyền bệnh quan trọng”.

Cùng với tuyên truyền, thì hành động phòng dịch, chống dịch thật sự cần sự hiệp đồng lực lượng. Đó chính là sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và người dân. Biểu hiện cụ thể của sự vào cuộc này là việc làm kịp thời, sát với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của các lực lượng. Từ việc chỉ đạo nhất quán các hoạt động phòng chống dịch, tổ chức tuyên truyền mạnh đến từng ngõ, ngách khu dân cư, phun thuốc diệt muỗi tại những khu vực có nguy cơ cao, đến việc trực tiếp kiểm soát, loại trừ côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt lăng quăng, muỗi trưởng thành, chủ động dọn dẹp nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không để nước đọng trong những vật dụng như đồ hộp, ly, chén, chai lọ… với nguyên tắc rất giản dị, hiệu quả: “Không có lăng quăng, không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết”.

Mỗi việc làm nhỏ, cụ thể nhưng được thực hiện đồng thời cùng nhau sẽ tạo ra được bước đi chắc chắn trong phòng, chống dập dịch sốt xuất huyết.

Về lâu dài, xây dựng ý thức phòng dịch sốt xuất huyết nói riêng và nhiều dịch bệnh khác nói chung phải được chuẩn bị tốt hơn, từ sớm, ngay từ trong ý thức của học sinh, từ trong nhà trường. Khi đã có ý thức thì việc hành động phòng dịch, chống dịch và dập dịch sẽ bớt lúng túng, sẽ hiệu quả và giảm tối đa những mệt mỏi, mất mát cả về công sức, tiền của lẫn tính mạng con người.