ĐBSCL: Nan giải trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:36, 25/07/2018

(TN&MT) - Trong thời gian qua, việc nông dân vùng ĐBSCL sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong phát triển nông nghiệp đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường đất, nước, không khí; ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khoẻ người dân.
thuoc1
Nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường, ảnh hường đến sức khỏe người dân

Tỉ lệ thu gom, xử lý rất thấp

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV - Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp của Cần Thơ hàng năm khoảng 247.000 ha. Tổng lượng thuốc BVTV được sử dụng trên 2.529 tấn, trong đó lượng bao bì chiếm 10% tổng khối lượng thuốc BVTV sử dụng, tương đương gần 253 tấn và còn có khoảng 4,7 tấn thuốc BVTV sót lại bám trên các bao bì.

Mặc dù ngành Nông nghiệp Cần Thơ đã hỗ trợ xây dựng 109 hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng, nhưng đến nay, lượng chất thải nguy hại từ hoạt động nông nghiệp của Thành phố được thu gom và tiêu hủy mới chỉ đạt khoảng 2,3%, tương đương 5,7 tấn, phần lớn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng còn lại được nông dân chôn, đốt, bán phế liệu”.

Còn theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 445.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 357.331ha, diện tích trồng hoa màu 58.553 ha. Với diện tích này, mỗi năm nông dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng thường xuyên trên 2.400 tấn thuốc BVTV. Theo ước tính của cơ quan chức năng, sau khi nông dân sử dụng 2.400 tấn thuốc BVTV sẽ phát sinh khoảng 366 tấn bao gói, chai lọ thuốc BVTV, nhưng tỉ lệ thu vào các bể lưu chứa tại các cánh đồng hoặc bán ve chai, đốt bỏ mới chỉ đạt  được 4%.

Tại tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua Chi cục Trồng trọt và BVTV - Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với một số đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý được khoảng 10 tấn bao gói, chai lọ thuốc BVTV, trong đó có khoảng gần 2 tấn được thực hiện từ chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" giai đoạn 2012 - 2017.

Nhiều khó khăn trong thu gom, xử lý

Hoạt động thu gom và quản lý bao bì thuốc BVTV ở vùng ĐBSCL trong thời gian qua được tổ chức thực hiện bởi Hội Nông dân và chính quyền địa phương kết hợp với các công ty sản xuất và cung cấp thuốc BVTV. Nhiều tỉnh, thành đã ban hành quyết định và kế hoạch thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT với nhiều nhóm giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin, tài liệu, điều tra và xây dựng bể lưu chứa, xác định đơn vị quản lý bể chứa, hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý,…

Tuy có nhiều chương trình tuyên truyền, thu gom,.. bao gói thuốc BVTV, nhưng còn một số vấn đề tồn đọng và khó khăn khi khối lượng chất thải từ bao gói thuốc BVTV phát sinh ngày một lớn, trong khi đó có rất ít đơn vị đủ chức năng vận chuyển xử lý; kinh phí vận chuyển và xử lý quá cao khiến nhiều địa phương không thể đáp ứng được. Từ đó xảy ra tình trạng ùn ứ bao bì thuốc BVTV và quản lý chưa đúng quy định và xử lý chất thải nguy hại.

Theo kết quả khảo sát mới đây của một số nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ tại 3 huyện: Vị Thuỷ, Phụng Hiệp và Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thì bao bì thuốc BVTV thải bỏ sau sử dụng người dân thu gom bán ve chai chiếm 38,66%, đốt 30,16%, chôn lấp 12,35% hoặc thải ngoài ruộng, quang nhà, xuống sông trên 17%.

"Phần lớn người dân chưa biết thuốc BVTV là chất thải nguy hại, nên việc quản lý và xử lý còn thể hiện nhiều điều bất cập và gây ảnh hưởng đến chính sức khỏe của họ và làm suy giảm chất lượng môi trường. Có khoảng 12% nông dân vẫn còn giữ thói quen thải bỏ các chai lọ và bao bì nylon sau khi đã sử dụng ra ngoài đồng" - TS. Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Trưởng Khoa Môi trường & Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ thông tin.

thuoc2
Việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV ở vùng ĐBSCL rất ít được thực hiện theo đúng quy định 

Đâu là giải pháp?

Quan điểm chung của các nhà khoa học, cơ quan quản lý là cần kiểm soát các loại thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng; khuyến khích và hỗ trợ các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, kém độc hại cho môi trường hoặc sử dụng các hoạt chất ít độc, có chu kỳ bán phân hủy ngắn để giảm thiểu ô nhiễm; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM để đạt được mục tiêu giảm 50% lượng thuốc BVTV và giảm 10% lượng phân bón sử dụng...

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV - Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ cho rằng, Thành phố cần có kế hoạch hỗ trợ xây dựng các bể chứa và theo dõi thu gom tiêu hủy rác thải thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, nâng cao ý thức tự giác thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng; đồng thời có sự hỗ trợ kinh phí để việc quản lý lại chất thải này đạt hiệu quả hơn.

Đối với giải pháp xử lý chất thải từ bao gói thuốc BVTV, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mong muốn có nhiều hơn những đơn vị đủ chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý để giảm giá thành xử lý so với thời điểm hiện nay.

Sử dụng thuốc BVTV là phương pháp chính của nông dân để kiểm soát sâu bệnh trong hoạt động nông nghiệp ở ÐBSCL. Tuy nhiên, để quản lý và xử lý hiệu quả các nguồn thải này yêu cầu đặt ra là phải xây dựng chiến lược và có kế hoạch hành động hợp lý trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, nhà khoa học.