Yên Bái: 24 người chết và mất tích, khẩn cấp di rời trên 2.500 hộ tới nơi ở tạm
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:57, 20/07/2018
Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 3), trên địa bàn TP. Yên Bái đã có mưa rất to, kết hợp với nước lũ các sông, suối trên địa bàn dâng cao, mực nước sông Hồng lúc 13h00 ngày 20/7 là 33,01 m (trên báo động 3 là 1,01 m) và tiếp tục dao động lên, khả năng lên 33,4 m (trên báo động 3 là 1,4 m), sau đó dao động ở mức cao.
Mưa to kéo dài đã gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình. Hiện tại có trên 2.500 hộ bị ảnh hưởng đã phải di dời tạm thời để đảm bảo an toàn; trên 300ha lúa, hoa màu, ao cá của 17/17 xã, phường bị ngập úng. Trọng điểm là các xã, phường: Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú, Văn Tiến, Phúc Lộc, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Tuy Lộc, Nam Cường.
Tại huyện Văn Yên, lũ trên các sông suối lên rất nhanh, đặc biệt là ở Ngòi Hút và Ngòi Thia. Huyện đã tiến hành di dời 37 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Huyện Văn Chấn là địa phương bị thiệt hại nặng nề, 28 nhà đã bị sập đổ, 19 nhà bị cuốn trôi; xã Nậm Mười và 3 thôn, bản thuộc xã Sơn Lương bị cô lập, mất thông tin liên lạc. Huyện đã di dời khẩn cấp 73 nhà dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Diện tích lúa bị ngập 121ha, nhiều tuyến đường xã bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Ngay trong sáng ngày 20/7, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã trực tiếp tới huyện Văn Chấn, để nắm bắt tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ông Duy đánh giá cao công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả trước mắt của chính quyền, các lực lượng chức năng huyện Văn Chấn. Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ đang diễn ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành của tỉnh và huyện thành lập ngay Sở Chỉ huy hiện trường của tỉnh tại huyện Văn Chấn. Đích thân ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái làm Trưởng ban.
Ngoài ra, huyện Văn Chấn cần chủ động cập nhật thông tin, đánh giá đúng tình hình diễn biến xảy ra ở từng địa phương; có các phương án tổ chức huy động lực lượng để bố trí di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xác định cụ thể, chi tiết số lượng hộ dân phải di dời đến nơi ở an toàn.
Đối với các trường hợp nhà dân nhà bị sập và lũ cuốn trôi hoàn toàn, huyện cần quan tâm hỗ trợ gạo và bố trí nơi ở tạm đảm bảo an toàn cho người dân tổ chức huy động lực lượng, tìm kiếm những nạn nhân đang mất tích; có phương án đảm bảo giao thông và tiếp cận nơi bị sạt lở để nắm tình hình cụ thể và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các gia đình trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai.