Hưng Yên: Siết chặt quản lý chất lượng nước sạch đối với các cơ sở cấp nước tập trung
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:02, 13/07/2018
Tại Báo cáo số 222/BC-DP ngày 04/7/2018 của Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Hưng Yên cho thấy: các cơ sở đã lập sổ theo dõi, quản lý vệ sinh, chất lượng nước nhưng chưa đúng theo mẫu quy định, chưa thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về vệ sinh chất lượng nước thành phẩm. Chất lượng nước vẫn chưa ổn định, vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt theo quy chuẩn (Clo dư thấp, hàm lượng sắt cao, hàm lượng Mangan cao…). Vệ sinh nơi khai thác nguyên liệu vẫn còn yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Trong 06 tháng đầu năm 2018, chỉ có 06 đơn vị gửi Báo cáo kết quả kiểm tra vệ sinh chất lượng nước thành phẩm về TTYTDP, còn lại các đơn vị khác không gửi Báo cáo (toàn tỉnh có 35 cơ sở cấp nước).
Cũng tại Báo cáo này, trong tháng 06/2018, TTYTDP tỉnh đã tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, xét nghiệm của 07 cơ sở cấp nước và phát hiện có tới 05 cơ sở chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn. Chủ yếu không đạt chất lượng ở kết quả hóa lý như hàm lượng Clo dư thấp, hàm lượng sắt và Mangan cao…
Nhằm chấn chỉnh, siết chặt những tồn tại trên, ngày 12/7/2018, TTYTDP tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm việc kiểm tra vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt (theo thông tư 50/2015/TT-BYT). Tham dự Hội nghị có đại diện của các ngành chức năng liên quan và đại diện của khoảng 25 đơn vị cấp nước trên địa bàn. Tại Hội nghị, ông Phan Tiến Sơn – Giám đốc TTYTDP tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định theo hướng dẫn của Thông tư 50 ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế. Đối với các cơ sở cấp nước phải nghiêm túc thực hiện việc nội kiểm lấy mẫu nước xét nghiệm 01 lần/tuần (mỗi lần 3 mẫu: đầu nguồn, giữa nguồn và cuối nguồn) gửi kết quả về TTYTDP để theo dõi, giám sát. Trong tháng 7 này, TTYTDP sẽ kiểm tra 100% tại tất cả các cơ sở cấp nước và sẽ duy trì việc ngoại kiểm này 01 tháng/lần theo đúng quy định. Nếu đơn vị nào có 03 lần kiểm tra liên tục không đạt chất lượng quy định thì sẽ đình chỉ sản xuất.
Nêu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đại diện Nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn cho rằng, người dân nông thôn còn hạn chế trong nhận thức, nên liên tục gọi điện đến Nhà máy phàn nàn về việc nước có mùi hắc, nồng (do mùi Clo). Bởi vậy, nếu Nhà máy cho đủ lượng Clo như quy định thì người dân sẽ phản ứng gay gắt dẫn tới việc kết quả sử dụng nước sạch tại nông thôn rất thấp, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. “Bác” lại quan điểm này, ông Phan Tiến Sơn – Giám đốc TTYTDP cho rằng: việc đảm bảo các tiêu chí về nguồn nước ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh là quan trọng nhất, bởi Clo là chất diệt khuẩn nên không thể thiếu. Việc người dân nông thôn có thể nhận thức chưa đầy đủ thì các đơn vị cấp nước phải phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích sao cho hiệu quả.
Có thể thấy, việc chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý chất lượng nước sạch đối với các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời điểm này là rất quan trọng. Bởi hiện nay, tỷ lệ người dân trong tỉnh đấu nối và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp. Nếu chất lượng nước lại không đảm bảo thì sẽ là “thủ phạm” gây trở ngại rất lớn cho mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến hết năm 2020 đạt 100% người dân đấu nối và sử dụng nước sạch. Và hơn thế nữa, nước “không sạch” còn là tác nhân, là nguồn gây bệnh trực tiếp ảnh hưởng hàng ngày đến sức khỏe người dân.