Quảng Nam: Tập trung xây dựng Chính quyền điện tử tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:03, 16/06/2018
Báo cáo tại Hội nghị của Trung tâm Chính phủ điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay chính quyền điện tử ở các địa phương trong cả nước đang dần đi vào thực chất, cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản 4 cấp, góp phần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được ban hành tại các Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2779/VPCP-KGVX ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ; nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 có số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết lớn.
Tuy nhiên, các kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Theo thống kê, đến nay tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ mới đạt 60%. Một số nhiệm vụ đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện xong, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, hay việc cấp phép qua mạng điện tử mới bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể.
Tại Quảng Nam, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, đặc biệt từ năm 2017 đến nay, Quảng Nam đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tăng cường kết nối liên thông, mở rộng việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quảng- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai việc xây dựng Chính quyền điện tử một cách quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ với mục tiêu cao nhất là tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến xã, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hội thảo lần này cũng là dịp để tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của kiến trúc cơ quan điện tử trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử, xác định Kiến trúc cơ quan điện tử của tỉnh như một chủ đề khoa học được toàn hệ thống nghiên cứu; đồng thời mong nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của các sở, ngành, địa phương để tỉnh Quảng Nam hoàn thiện chương trình này.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức mới trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử. Do đó, tỉnh Quảng Nam sẽ quyết tâm tập trung cao độ trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phục vụ dân sinh và bảo đảm an ninh bảo mật.