Cần kiểm soát chặt chẽ sử dụng rượu, bia để giảm mức tiêu thụ

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:00, 08/06/2018

(TN&MT) – Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu tại Hội...
(TN&MT) – Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu tại Hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức vào sáng 8/6 tại Hà Nội.
ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Bằng chứng từ các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn cho thấy, sử dụng rượu, bia của Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm; thể hiện qua 3 tiêu chí: mức tiêu thụ số lít cồn nguyên chất bình quân/người/năm nhất là với nam giới, tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại. 

“Về mức độ tiêu thụ rượu, bia nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân/người (>15 tuổi)/năm ở nước ta đã tăng từ 3, lít trong giai đoạn 2003-2005 lên 6,6 lít trong giai đoạn 2008-2010, và lên tới 8,3 lít vào năm 2016 tức là đã tăng tới 118% và tăng 30 bậc theo xếp loại của Tổ chức y tế thế giới từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng đang ngày càng gia tăng” – ông Nguyễn Huy Quang cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Thái Lan được chọn là một ví dụ điển hình trong việc xây dựng chính sách pháp luật về kiểm soát đồ uống có cồn là do Thái Lan là một quốc gia phát triển về y tế công cộng; thành công trong việc giám sát thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến thuốc lá và rượu, bia; đồng thời, có nền tảng tốt trong truyền thông, góp phần làm thay đổi những hành vi của cộng đồng liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia.

Về chính sách phòng chống tác hại của rượu, bia trên thế giới, TS Nguyễn Phương Nam – cán bộ Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng cần kiểm soát sự sẵn có của rượu bia như giờ bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ.
2 8
TS Nguyễn Phương Nam – cán bộ Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu

TS Nguyễn Phương Nam cũng đề xuất cần tăng giá và kiểm soát rượu bia lậu; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu, bia.

Cho rằng Luật kiểm soát đồ uống có cồn là cần thiết, ông Bundit Sornpaisarn - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nâng cao sức khỏe của Thái Lan khuyến nghị đối với Việt Nam rằng đồ uống có cồn không phải là hàng hóa thông thường, cần được kiểm soát.

“Cần ban hành chính sách pháp luật về kiểm soát đồ uống có cồn, và các chính sách, pháp luật này cần thiết và sẽ hiệu quả khi nâng cao sự tuân thủ thời gian và địa điểm cấm bán, cấm bán cho người dưới độ tuổi pháp luật quy định; giảm tính sẵn có về thời gian và địa điểm bán; giảm tiếp xúc với quảng cáo và các hoạt động khuyến mại bán; thực thi tốt sẽ giảm hậu quả liên quan đến điểm bán quanh trường đại học; giảm tiếp cận với đồ uống có cồn” – ông Bundit Sornpaisarn đề xuất.
ông Bundit Sornpaisarn - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nâng cao sức khỏe của Thái Lan khuyến nghị
Ông Bundit Sornpaisarn - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nâng cao sức khỏe của Thái Lan đề xuất các giải pháp để kiểm soát đồ uống có cồn

Ông cũng cho rằng những thách thức từ phía ngành công nghiệp là phép thử về hiệu quả của chính sách. Chính phủ quyết tâm với các biện pháp mà ngành công nghiệp cho là thách thức.

Đánh giá cao vai trò của Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan trong kiểm soát rượu, bia, ông Bundit Sornpaisarn cho rằng Việt Nam cần có nguồn tài chính bền vững cho nâng cao sức khỏe và đây là vấn đề rất quan trọng với chính phủ và quốc gia.

“Cần có cơ quan bán tự chủ (với hệ thống bảo đảm trách nhiệm giải trình) đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các hoạt động nâng cao sức khỏe hoặc phòng chống các bệnh không lây nhiễm với nguồn thu từ thuế rượu bia thuốc lá” – ông Bundit Sornpaisarn khuyến nghị.

Theo ông, nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe có thể được triển khai nếu có nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá.

“Cần có chiến lược vận động chính sách hiệu quả bằng cách hợp tác và truyền thông. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cần có những quyết định góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân” - ông Bundit Sornpaisarn đề xuất.
4
Quang cảnh hội thảo

Trình bày dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác; thiệt hại hơn rất nhiều so với một số lợi ích do rượu, bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm. Gánh nặng sẽ ngày càng tăng, cộng dồn nếu Nhà nước không có chính sách, pháp luật phù hợp.

Bà Trần Thị Trang đề xuất Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với khoản đóng góp bắt buộc là giải pháp toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ nhất cho phòng, chống tác hại rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng; tạo nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Luật.