Thanh Hóa: Nan giải tái định cư cho người dân tại các dự án xây dựng thủy điện

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:04, 13/06/2018

(TN&MT) - Việc xây dựng ồ ạt các thủy điện ở đầu nguồn các con sông lớn đã có nhiều tác động, hệ lụy tới thiên nhiên, cũng như cuộc sống của người dân ở những...
(TN&MT) - Việc xây dựng ồ ạt các thủy điện ở đầu nguồn các con sông lớn đã có nhiều tác động, hệ lụy tới thiên nhiên, cũng như cuộc sống của người dân ở những khu tái định cư. Thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thu nhập bấp bênh, thiếu công ăn việc làm… là những vấn đề còn nan giải.

Nhiều bái toán ở thủy điện Bá Thước 2 và Trung Sơn

Giao thông bị chia cắt khi nước lên, nhà cửa, ruộng vườn, tài sản bị ngập trong nước. Đất sản xuất không còn, giá đền bù lại quá rẻ… đó là câu chuyện buồn đang xảy ra tại xã Ái Thượng, huyện Bá Thước nơi có Nhà máy thủy điện Bá Thước 2.
Nước thủy điện dâng làm giao thông bị chia cắt, người dân phải dùng thuyền sắt để di chuyển.
Nước thủy điện dâng làm giao thông bị chia cắt, người dân phải dùng thuyền sắt để di chuyển
Trước kia, vào năm 2012, khi xây dựng thủy điện Bá Thước 2 được xây dựng, phía nhà máy đã đền bù cho người dân toàn bộ phần đất ngập lụt khi thủy điện dâng nước. Các thôn Mý, Vèn, Côn, Đan của xã Ái Thượng nằm trong vùng vịnh từ nhiều năm nay, người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi cá bè. Thế nhưng, vào năm 2017, UBND huyện Bá Thước có thông báo thu hồi toàn bộ vùng vịnh kể trên giao quyền sử dụng cho một số hộ trong xã đã trúng thầu sử dụng, các hộ trúng thầu đã tiến hành san lấp, đắp bờ… và nghiêm cấm các hộ dân không được phép xuống vùng vịnh để tiến hành đánh bắt, nuôi cá bè. Hàng trăm hộ dân ở các thôn kể trên mất kế sinh nhai, loay hoay tìm việc làm mới.

Không chỉ mất kế sinh nhai, mà người dân trong diện di dời, còn chưa thỏa đáng với mức đền bù quá thấp. Ông Trương Công Xuất ở làng Côn, xã Ái Thượng buồn bã nói: “Chấp hành chủ trương của nhà nước, người dân chúng tôi đồng ý di dời để thực hiện dự án thủy điện Bá Thước 2. Nhưng giá đền bù đất lại rẻ quá, một mét vuông đất sản xuất giá đền bù có 5000 đồng, không mua nổi nải chuối. Trước đây có đất sản xuất, chúng tôi canh tác cũng tạm đủ ăn, nay mất hết đất rồi chẳng biết lấy gì làm ăn. Từ năm ngoái, chính quyền giao đất cho các hộ khoán thầu ở vùng vịnh của thủy điện, người dân cũng không được đánh bắt, hay nuôi cá lồng bè nữa. Đời con cháu sau này không biết kiếm kế gì sinh nhai”.

Dự án thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên sông Mã tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa vào tháng 11 năm 2012. Để phục vụ dự án một số các hộ dân ở xã Trung Sơn nằm trong phạm vi lòng hồ buộc phải sơ tán đến khu tái định cư (TĐC) mới.
Nhiều hộ dân thuộc dự án TĐC thủy điện Cửa Đạt ở xã Xuân Hòa vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp.
Nhiều hộ dân thuộc dự án TĐC thủy điện Cửa Đạt ở xã Xuân Hòa vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp
Theo đó, xã Trung Sơn có bản Tà Bán với 221 hộ, bao gồm 839 nhân khẩu và bản Xước có 34 hộ với 120 nhân khẩu sẽ chuyển đến ở 5 khu thuộc dự án TĐC thủy điện Trung Sơn gồm: Keo Đắm, Pom Chốn, Co Pùng, Pa Búa và Tà Bục.
 
Khi về khu TĐC mới cuộc sống của người dân đã gặp nhiều khó khăn như thiếu nước sinh hoạt, đất được chia thuộc loại đất bạc màu, nhiều sỏi đá không thể trồng cây hoa màu phục vụ đời sống. Đặc biệt, nhiều hộ dân còn được chia cả phần đất dốc, nghiêng, vách sâu sâu gây khó khăn cho quá trình lao động sản xuất, chia cả vào phần đất của người khác hiện vẫn chưa được giải phóng, đền bù. Thế nên nhiều hộ dân vẫn chưa bằng lòng về việc nhận đất để ổn định cuộc sống tại khu TĐC.

Cô Phạm Thị Pán, 54 tuổi, khu TĐC Tà Bán chia sẻ: “Nước sinh hoạt lúc có lúc không, nước không đủ dùng. Vườn được giao toàn đá nên khó có thể trồng cây. Khi chia đất lại chia cả đất vách, dốc nghiêng thì làm sao sản xuất nổi, nên nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận đất. Ruộng lúa trước kia đã nằm dưới lòng hồ, giờ phải đi xa 7 - 8 km đường rừng để khai hoang trồng lúa”.

Chia thiếu đất sản xuất ở Khu TĐC thủy điện Cửa Đạt
Năm 2004, để thực hiện việc xây dựng hồ chứa nước Cửa Đạt, hàng ngàn hộ dân xã Xuân Liên, Xuân Khao và Xuân Mỹ (huyện Thường Xuân) phải di dời tới khu TĐC Tây Nguyên, Như Xuân và Như Thanh. Khi đó người dân được chính quyền tuyên truyền, vận động rằng mỗi hộ khi tới khu TĐC mới sẽ được cấp miễn phí một ngôi nhà, khu TĐC sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống của người dân như điện, đường, trường, trạm. Mỗi nhân khẩu sẽ nhận được 2200m2 đất canh tác, sản xuất, ba năm đầu nhà nước sẽ hỗ trợ lương thực.
TĐC thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa) chia luôn cả đất dốc, vách thẳm, đất bạc màu cho dân.
TĐC thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa) chia luôn cả đất dốc, vách thẳm, đất bạc màu cho dân
Xã Xuân Liên có 279 hộ dân với 1.513 nhân khẩu đã đến nơi TĐC mới tại một vùng đất rừng hoang vu ở huyện Như Xuân. Khi đến nơi TĐC mới xã Xuân Liên được đổi tên thành xã Xuân Hòa (thuộc Như Xuân), các thôn: Ó, Giăng, Nghịu, Xuân Thành và Ngòi vẫn giữ nguyên tên cũ.

Khi nhận đất tại dự án TĐC mới, các hộ dân sau khi tiến hành đo đất mới phát hiện ra diện tích đất được cấp thực tế thiếu hụt đi rất nhiều so với diện tích đất được ghi trên sổ đỏ. Nhiều diện tích đất được cấp lại chia vào bờ suối, khe suối, lòng sông, vách núi, vách nghiêng và cả dưới hành lang đường điện cao thế quốc gia nên không thể canh tác, sản xuất.

Không chỉ khó khăn trong việc tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân mà việc xây dựng ồ ạt các thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, các đập thủy điện tích nước ảnh hưởng tới việc tưới tiêu trồng trọt trong nông nghiệp. Việc làm các hồ chứa nước thủy điện cũng làm thay đổi quy luật, khiến cho tình trạng lũ lụt, hạn hán ngày càng diễn biến bất thường, khó dự báo trước.