Bình Định: Người dân xã Phước Thuận khổ sở vì thiếu nước sạch

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:13, 28/05/2018

(TN&MT) - Khoảng 2 tháng trở lại đây, hơn 200 hộ dân ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định) vô cùng khổ sở vì không có nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, dù đường ống nước sạch đã đến từng nhà.
NS1
Người dân xóm 2 và xóm 3 chèo ghe chở thùng đi mua lại nước sạch về sử dụng, nhưng không phải lúc nào cũng có nước sạch mang về

Tầm 2 giờ sáng mỗi ngày, khi trời còn chưa sáng hẳn, người dân ở xóm 2 và xóm 3, thôn Diêm Vân phải lọ mọ mang thùng, can tới xóm 1 (thôn Diêm Vân) để mua lại nước sạch về sử dụng. Tình trạng này diễn ra liên tục trong gần 2 tháng trở lại đây, nguyên nhân là do xóm 2 và xóm 3 bị “đứt” nước sạch. Người dân nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan để được xem xét, giải quyết; cung cấp đủ nước sạch cho họ dùng mỗi ngày. Nhưng đến nay, nguyện vọng của người dân chưa được đáp ứng, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Bà Dương Thị Thứ, trú xóm 3, than thở: “Không hiểu sao khoảng 2 tháng trở lại đây, xóm 2 và xóm 3 bị cúp nước sạch liên tục, khiến cuộc sống của hơn 200 hộ gia đình nơi đây bị đảo lộn. Hàng ngày, để có nước sạch phục vụ uống và nấu ăn, bà con phải thức dậy lúc nửa đêm đi mua lại nước ở những khu dân cư lân cận; nhưng không phải lúc nào cũng mua được, có hôm đem thùng, can tới rồi về không. Người dân phải bỏ tiền mua nước bình về uống và nấu ăn với giá 13.000 đồng/bình; còn tắm, giặt thì bà con dùng nước sông, dù biết không đảm bảo vệ sinh”.

Bà Nguyễn Thị Ba, hàng xóm bà Thứ, tiếp lời: “Nước sạch ở xóm 1 cũng chập chờn, lúc chảy mạnh, lúc chảy yếu. Chúng tôi phải năn nỉ lắm thì người dân ở đây mới chia lại một ít để dùng. Nhà tôi có 6 người, lượng nước sạch ít ỏi chia được không đủ dùng, phải mua thêm nước bình rất tốn kém. Còn tắm, giặt thì 2 tháng nay đành chịu đời với nước sông; do thường xuyên tắm nước sông nên người lúc nào cũng ngứa ngáy khó chịu, nhất là mấy cháu nhỏ”.

Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: Hệ thống cấp nước sạch tại thôn Diêm Vân được Nhà nước đầu tư xây dựng cách đây khoảng 10 năm. Trước kia, người dân sử dụng ít nên đảm bảo cung cấp; hiện nay, số lượng các hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu nước, nhất là vào mùa nắng nóng. Đặc biệt, khu vực xóm 2 và xóm 3 (thôn Diêm Vân) ở cuối đường ống dẫn nước sạch nên thường xuyên thiếu hụt.

NS2
Mỗi ngày, bà Dương Thị Thứ đều canh mở vòi để lấy nước sạch, nhưng kết quả chỉ toàn… không khí

“UBND xã nhiều lần kiến nghị Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sạch; cung cấp đủ nước sạch cho người dân thôn Diêm Vân nói riêng, xã Phước Thuận nói chung. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng thiếu nước sạch tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng trầm trọng, nhất là tại các khu dân cư ở xa đường ống dẫn nước”, ông Khoa cho biết thêm.

Liên quan việc này, theo đại diện Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước, thì: Người dân xã Phước Thuận sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Phước Nghĩa - tọa lạc tại thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (Tuy Phước). Theo thiết kế vào thời điểm năm 2007, Nhà máy có công suất 900m3/ngày đêm; cung cấp ổn định cho khoảng 2.300 hộ dân. Hiện nay, số gia đình dùng nước sạch ở xã Phước Thuận lên tới gần 4.000 hộ nên không đảm bảo công suất cấp nước; dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước, nhất là các khu dân cư ở cuối hệ thống đường ống dẫn nước. Để giải quyết tình trạng này, hiện UBND huyện Tuy Phước đã bố trí vốn để khảo sát, nâng công suất Nhà máy nước Phước Nghĩa lên 2.500m3/ngày đêm để cung cấp đủ nước sạch cho người dân xã Phước Thuận.

Mong rằng, dự án nâng công suất Nhà máy nước Phước Nghĩa sớm được thực hiện để đảm bảo lượng nước sạch phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Còn hiện nay, Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước cần có biện pháp điều tiết lượng nước sạch, đảm bảo các khu dân cư trên địa bàn xã Phước Thuận đều có nước sạch chảy tới; tránh tình trạng những khu vực ở cuối đường ống bị “treo” nước liên tục trong thời gian dài.