Sơn La: Đảm bảo an toàn khu vực dự án thủy điện nhỏ mùa mưa lũ 2018

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:04, 24/05/2018

(TN&MT) - Sở NN&PTNT Sơn La vừa tiến hành kiểm tra việc thực hiện Phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du...
(TN&MT) - Sở NN&PTNT Sơn La vừa tiến hành kiểm tra việc thực hiện Phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ 2018.
Sơn La: Đảm bảo an toàn khu vực dự án thủy điện nhỏ mùa mưa lũ 2018 (Ảnh: Đập thủy điện Nậm Chiến, huyện Mường La)
Sơn La đảm bảo an toàn khu vực dự án thủy điện nhỏ mùa mưa lũ 2018. Ảnh: Đập thủy điện Nậm Chiến, huyện Mường La
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 43 nhà máy thủy điện nhỏ đã hoàn thành và đi vào vận hành, trong đó, 1 nhà máy đang ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả mưa lũ. 42 nhà máy còn lại, có 8 nhà máy có dung tích hồ chứa lớn hơn 1 triệu m3, 11 nhà máy dung tích hồ chứa lớn hơn 200.000m3 và nhỏ hơn 1 triệu m3. 8 nhà máy thủy điện không có hồ chứa.
 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Sơn La, đa số hồ chứa thủy điện có dung tích nhỏ, tràn tự do, không có cửa van điều tiết, đập đặt trên nền đá gốc, bờ hồ chứa ổn định, không có hiện tượng xói lở. Do đó, ít có khả năng điều tiết lũ và giảm lũ, không có tình trạng xả lũ chồng lũ gây lũ quét vùng hạ du.
 
Riêng một số khu vực núi cao như suối Sập, suối Chim Vàn, suối  Lừm huyện Bắc Yên; suối Nậm Pia huyện Mường La, suối Mưa Tươi huyện Yên Châu có nhiều khả năng xảy ra lũ quét vùng hạ lưu khi có mưa lớn. Các công trình thủy điện ở vùng này đều có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, các chủ đầu tư công trình phải cảnh báo lũ cho hạ lưu khi có lũ lớn.
 
Có 2 thủy điện gồm thủy điện Mường Bú, huyện Mường La và Sập Vạt, huyện Yên Châu điều tiết mực nước bằng cửa van. Khi xảy ra lũ lớn, nếu không mở cửa van kịp thời, sẽ làm ngập vùng thượng lưu, ảnh hưởng đến người dân và giao thông trên quốc lộ 6 cũng như tuyến đường Sơn La - Mường La. Qua kiểm tra, các đơn vị đều có người trực tại đầu mối 24/24h, có máy phát điện dự phòng khi mất điện, do đó, có thể chủ động xả lũ khi có lũ lớn.
 
Về 3 công trình thủy điện bị sạt lở trong mùa mưa lũ 2017, gồm Công trình thủy lợi - thủy điện Keo Bắc huyện Sông Mã; thủy điện Sập Việt huyện Yên Châu và thủy điện Suối Sập 2 huyện Phù Yên. Tại thời điểm kiểm tra, các thủy điện đã có phương án khắc phục phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn.
 
Về thực hiện các phương án phòng chống lụt bão, Sở NN&PTNT đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 32 phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập. 35 nhà máy thủy điện đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập. Năm 2018, Sở NN&PTNT đã rà soát, đề nghị các chủ nhà máy thủy diện cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt bão của đập và phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập theo quy định.
 
Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn khu vực dự án thủy điện nhỏ trong mùa mưa lũ, Sở NN&PTNT Sơn La đã đề nghị các nhà máy thủy điện tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn trên lưu vực. Tuân thủ quy trình vận hành, thực hiện nghiêm Phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập. Phối hợp với chính quyền xây dựng quy chế phối hợp trong phòng chống thiên tai, tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện và xử lý ngay các hiện tượng có thể gây ra tình huống xấu. Chủ động sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị dự phòng phòng chống lũ quét, sạt lở.
 
UBND các huyện, thành phố có các dự án nhà máy thủy điện phối hợp với các dơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quy trình vận hành và phương án phòng chống lũ bão đã được phê duyệt. Đảm bảo an toàn về người, an toàn công trình, khu dân cư và các hoạt động sản xuất tại khu vực dự án thủy điện. Chỉ đạo UBND các xã có dự án thủy điện thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết thủy văn vùng dự án, tổ chức kiểm tra, rà soát các hạng mục công trình sung yếu, kịp thời xử lý, ứng phó, khắc phục ngay những tình huống có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, đảm bảo an toàn đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.