Cân bằng phát triển nhờ những địa chỉ nhân đạo

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:27, 25/04/2018

(TN&MT) - Với mục tiêu hướng đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng đã giúp đỡ không ít trường hợp thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống góp phần cân bằng xã hội, thực hiện thành công Chương trình “5 không, 3 có”, mục tiêu an sinh xã hội của thành phố và chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
Hội Chữ thập đỏ tặng bò tạo sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn
Hội Chữ thập đỏ tặng bò tạo sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn

Giúp dân có cuộc sống đầm ấm

Mặc dù là thành phố đáng sống, nền kinh tế đang ngày càng phát triển, tuy nhiên sự chênh lệch giàu nghèo với những hoàn cảnh khó khăn vẫn đang là nút thắt kéo lùi sự phát triển của Đà Nẵng. Thực hiện phong trào phát động  của Thủ tướng Chính Phủ “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, UBND TP. Đà Nẵng cũng như Hội Chữ thập đỏ thành phố đã không ngừng triển khai nhiều hoạt động, chính sách nhằm xây dựng xã hội phát triển cân bằng, giúp người nghèo có cuộc sống đầm ấm.

Với vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2009 đến nay, Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng đã vận động trợ giúp cho gần 180 ngàn lượt người nghèo, người khó khăn  có cái tết đầm ấm và cuộc sống đầy đủ hơn. Với tổng trị giá hoạt động là 51,3 tỷ đồng, Hội đã trao tặng hơn 149 ngàn suất quà tết; hỗ trợ học bổng học nghề, sinh kế cho 1.170 trường hợp; hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 18 hộ gia đình… Ngoài ra, các cấp Hội toàn thành phố đã quyên góp vận động 3.510 suất quà trị giá 2,3 tỷ đồng ủng hộ đồng bào tỉnh Quảng Nam và các tỉnh thành khác.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển nguồn lực giai đoạn 2014 - 2018, Hội đã tiến hành trợ giúp cho hơn 437 ngàn lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được cải thiện sức khỏe, cuộc sống, học tập và hỗ trợ cộng đồng dân cư của các xã phường, vùng trọng điểm thiên tai nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thảm họa, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích với tổng giá trị kinh phí vận động, tiếp nhận, thực hiện các chương trình dự án và hoạt động đạt hơn 206 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần so với ngân sách nhà nước cấp.

Nhờ những mô hình hay và cách làm sáng tạo, Cô Đinh Thị Chi – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phong đã giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn thu nhập và động lực sống
Nhờ những mô hình hay và  cách làm sáng tạo, Cô Đinh Thị Chi – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phong đã giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn thu nhập và động lực sống

Bên cạnh đó, Thành Hội đã duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm vận động nguồn lực giải quyết những vẫn đề an sinh xã hội. Hội đã tiếp nhận kinh phí tài trợ gồm tiền và hàng với tổng trị giá trên 13 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân và đoàn khách quốc tế. Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo đã góp phần xây mới 45 ngôi nhà, sửa chữa 189 nhà trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Trong 05 năm tổng giá trị kinh phí vận động, tiếp nhận, thực hiện các chương trình dự án và hoạt động Hội đạt 206 tỷ 821 triệu đồng.

Giảm nghèo nhờ những cách làm hay

Với đặc điểm là một xã vùng đồng bằng, đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp, số hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới tương đối cao, người già neo đơn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người khó khăn đột xuất và bệnh hiểm nghèo nhiều, Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã vận dụng nhiều cách làm mới, phù hợp với địa phương để hỗ trợ người dân, giúp dân có thêm sinh kế để phát triển.

Nhận nhiệm vụ Hội Chữ thập đỏ từ năm 2004, cô Đinh Thị Chi-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phong nắm chắc được tất cả những đối tượng và gia đình có hoàn cảnh nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Cô luôn nau náu phải làm thế nào để giúp đỡ cho người dân có thêm động lực sống. Chính vì thế, cô không ngừng nỗ lực kêu gọi từ chính người dân trong xã đến những mạnh thường quân trong và ngoài nước với những cách làm đổi mới, sáng tạo xây dựng nguồn kinh phí hỗ trợ cho bà con.

Trong 5 năm qua, bằng sự nỗ lực của mình, Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phong đã hỗ trợ hơn 8.000 lượt người dân trong xã và các địa phương với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ thường xuyên và duy trì cho 261 địa chỉ nhân đạo; thực hiện tết vì người nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 3.200 lượt người dân. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ tặng quà, nấu ăn tình thương cho các xã miền núi và Bệnh viện tỉnh Quảng Nam; ủng hộ đồng bào ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai tại miền trung và đồng bằng sông Cửu Long..., riêng trong 2 năm 2016 và 2017 Hội đã vận động và ủng hộ trên 800 triệu đồng cho các tỉnh bị bão lụt.

Gia đình cụ Tà Lon có thêm nguồn thu nhập từ đàn gà nhờ địa chỉ nhân đạo
Gia đình cụ Tà Lon có thêm nguồn thu nhập từ đàn gà nhờ địa chỉ nhân đạo

Đáng kể đến là mô hình Nuôi heo từ tâm. Dựa vào khả năng kinh tế của địa phương, cô Chi xây dựng mô hình nuôi heo từ tâm, cô phát cho các chi hội, các hộ, nhóm hộ gia đình một con heo đất và khuyến khích mọi người tiết kiệm những đồng tiền lẻ mỗi ngày cho heo “ăn”. Mỗi năm  sẽ tiến hành “mổ heo” một lần, với số tiền có được, cô sử dụng để giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo, giúp các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã; bình quân Hội thu về hơn 20 triệu đồng từ mô hình nuôi heo. Ngoài ra cô còn vận động nhiều mô hình như: Hũ gạo tình thương, đêm nhạc gây quỹ, bỏ thùng từ thiện ở các huyện, xã, các chợ... nhằm tích cóp nguồn nhân đạo từ các cá nhân.

Nhờ những địa chỉ nhân đạo thiết thực mà nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hòa Phong không chỉ vượt qua khó khăn mà còn có thêm niềm tin, động lực sống. Đơn cử như gia đình cụ Tán Lon (cụ bà Nguyễn Thị Phú), ở thôn Bồ Bản 2 đã hơn 90 tuổi, cụ bà nằm liệt giường từ nhiều năm nay, hai con gái bệnh tật từ nhỏ. Từ nhiều năm nay gia đình cụ sống dựa vào sức lao động chính của con gái là bà Tán Thị Nhiên (64 tuổi). Tuy nhiên do bệnh tật, sức khỏe và Nhiên ngày càng yếu, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Nhận biết được hoàn cảnh gia đình cụ Tán Lon, Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phong đã hỗ trợ hai địa chỉ nhân đạo và vận động được 20 triệu đồng để sửa chữa lại nhà cho gia đình cụ. Với số tiền được hỗ trợ nhân đạo, gia đình tích cóp mua gà về nuôi. Đến nay đàn gà đã tăng gần 100 con, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Có được mái nhà không bị dột mỗi khi mưa, có được đồng ra đồng vào từ đàn gà, gia đình cụ Lon như được mở nguồn sống, dù chưa thoát khỏi khó khăn nhưng đã an ủi và tạo niềm tin cho gia đình cụ rất nhiều.

Không chỉ thế, với phong trào “Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Hội đã  kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ nhân dân địa phương, người khuyết tật và hộ nghèo. 10 năm qua, Hội đã vận động được 866 triệu đồng hỗ trợ 2.165 lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với mỗi suất từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng.

Những thành tích mà cô Chi và Hội chữ thập đỏ xã Hòa Phong đạt được đã tạo động lực phát triển cho xã Hòa Phong đồng thời cũng góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố phát triển cân bằng, khơi dậy lòng nhân đạo trong cộng đồng cả nước.