Điện Biên: Đau đớn 4 học sinh rủ nhau ăn lá ngón tập thể

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:13, 23/04/2018

(TN&MT) - Vừa qua tại xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên xảy ra một vụ việc đau lòng 4 học sinh tò mò, rủ nhau ăn lá ngón tập thể khiến 2 học sinh tử...
(TN&MT) - Vừa qua tại xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên xảy ra một vụ việc đau lòng 4 học sinh tò mò, rủ nhau ăn lá ngón tập thể khiến 2 học sinh tử vong.
Lá ngón rừng (ảnh khai thác)
Lá ngón rừng. Ảnh khai thác
Trao đổi với ông Hạng A Nánh, Bí thư Đảng ủy xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, cho biết: Sau giờ tan học buổi chiều ngày 20/4, 4 cháu gồm: Vừ Thị Mai Hoa (10 tuổi), Sùng Thị Sính (11 tuổi), Sùng A Vương và Tráng Thị Sua (9 tuổi) là học sinh của Trường Tiểu học xã Ma Thì Hồ, cùng trú tại bản Hô Chim 1 xã Ma Thì Hồ rủ nhau lên rừng chơi, lấy củi. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày không thấy 4 học sinh này trở về nhà nên người thân trong gia đình đã báo chính quyền địa phương tổ chức đi tìm.
 
Khi phát hiện trên rừng, 3 cháu Sính, Vương, Sua đều đang trong tình trạng say, nôn mửa nên người dân đã đưa các cháu đến trạm y tế xã cấp cứu, tuy nhiên cháu Sùng A Vương đã tử vong ngay sau đó. Riêng cháu Vừ Thị Mai Hoa được người dân và chính quyền địa phương tìm thấy sau đó khá lâu ở gần một khe nước và cũng đã tử vong.
 
Hiện sức khỏe của Sính và Sua đã ổn định. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên được các cháu cho biết là do tò mò nên đã rủ nhau ăn thử lá ngón. Gia đình có các nạn nhân tử vong cũng cho biết không hề xảy ra mâu thuẫn gì với các cháu, trước đó vào buổi sáng các cháu vẫn đến lớp học bình thường.
 
Được biết cả 4 gia đình học sinh nêu trên đều thuộc diện hộ nghèo do đó ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, chính quyền xã Ma Thì Hồ đã cử cán bộ xuống động viên các gia đình và hỗ trợ tổ chức mai táng cho các nạn nhân tử vong.
 
Bí thư Đảng ủy xã Ma Thì Hồ - Hạng A Nánh cho biết việc tuyên truyền vận động người dân không ăn lá ngón tự tử đã được địa phương đẩy mạnh đến từng hộ dân. Tuy nhiên tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt vẫn rơi nhiều vào đồng bào dân tộc Mông. Giải pháp hiện nay xã đưa ra là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân và giáo dục trong các trường học. Đồng thời huy động lực lượng tiến hành tìm và phá nhổ các diện tích có cây lá ngón ở gần khu dân cư.